QPTD -Thứ Năm, 27/08/2020, 14:21 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ quản lý, duy trì an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, những năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế phù hợp; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển xây dựng, triển khai thực hiện công tác này theo phân cấp, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzo chứng kiến ký kết hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Cùng với làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương chủ trương, đối sách về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực được phân công, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã duy trì, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước có biển liền kề. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký kết, thống nhất với Cảnh sát biển Trung Quốc, như: trao đổi, chia sẻ thông tin, tình hình trên biển; tổ chức hội nghị Cơ quan giám sát nghề cá; kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ, tuần tra chung. Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động trên thực địa với công tác ngoại giao, hợp tác song phương; chủ động đề xuất tổ chức các cuộc gặp, trao đổi thư giữa hai bên bày tỏ quan điểm, lập trường, mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, lợi ích của mỗi bên, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ tiến hành ký Ý định thư về kết thúc đàm phán Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia về hợp tác thực thi pháp luật trên biển và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện Bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia; xúc tiến các bước để ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Cảnh sát biển Indonesia, lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippin, v.v. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động với lực lượng chức năng của Hoa Kỳ, Nhật Bản triển khai thực hiện các dự án hợp tác, viện trợ trang bị, tàu, xuồng, cơ sở hậu cần, kỹ thuật và tập huấn, huấn luyện, đào tạo chuyên ngành pháp luật.

Trong hoạt động đa phương, Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á (ReCAAP); các diễn đàn đa phương, tập trung vào các cơ chế, như: Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu, Hội nghị người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á, Đối thoại thực thi pháp luật trên biển, Sáng kiến Vịnh Thái Lan, Diễn đàn Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á,… đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng về hợp tác, thực thi pháp luật trên biển. Bên cạnh đó, tổ chức tốt việc đón tiếp, trao đổi kinh nghiệm với các đoàn, tàu của lực lượng Cảnh sát biển, Bảo vệ bờ biển, thực thi pháp luật trên biển của một số nước tới thăm, làm việc, bảo đảm tuyệt đối an toàn, đúng nguyên tắc, đường lối, quy chế, quy định về công tác đối ngoại. Qua đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp, hợp tác trong thực thi pháp luật trên biển; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với quyền lợi chính đáng của Việt Nam trên các vùng biển, thềm lục địa; khẳng định vị thế, uy tín của Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian tới, tình hình trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển gia tăng. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát biển triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhằm đưa công tác quan trọng này ngày càng đi vào nền nếp, chính quy, thiết thực và hiệu quả.

Thực hiện mục tiêu đó, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Hội nhập quốc tế; Nghị định số 22/2016/NĐ-CP, ngày 31/12/2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, v.v. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác những vấn đề, tình huống có thể xảy ra trên biển để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương chủ trương, đối sách xử lý trên thực địa và hoạt động ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước. Đồng thời, tăng cường đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức, phương pháp đối ngoại; mở rộng phạm vi, nâng cấp mức độ quan hệ đối ngoại cả ở cấp Bộ Tư lệnh và các đơn vị Cảnh sát biển với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước. Trước mắt, thực hiện sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các hoạt động trong chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020 đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương phê duyệt. Quá trình thực hiện, nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”, phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, chấp hành nghiêm các quy định trong đối ngoại, hợp tác quốc tế, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất. Đồng thời, tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót của ta; phát hiện sai phạm của các loại đối tượng, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn; quản lý, giám sát chặt chẽ thông tin không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Hội nghị song phương lần thứ 3 giữa Cảnh sát biển Việt Nam và lực ượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương, đa phương bảo đảm thực chất, có chiều sâu, hiệu quả. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế phù hợp đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế; có lộ trình triển khai toàn diện, linh hoạt trong hợp tác song phương và đa phương. Trong đó, tập trung thúc đẩy các hoạt động đối ngoại song phương, đẩy nhanh việc trao đổi, ký kết các văn bản hợp tác, thỏa thuận với Cảnh sát biển các nước có vùng biển liền kề, như: ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Cảnh sát biển Indonesia, Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia, nghiên cứu mô hình hợp tác với Trung tâm điều phối hàng hải Thái Lan; tăng cường hoạt động đường dây liên lạc nóng với lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippin, Ủy ban Quốc gia An ninh hàng hải Campuchia; tổ chức các hội nghị song phương với Cảnh sát biển Trung Quốc, lực lượng Bảo vệ biển Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v. Tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ tổ chức Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á, cũng như các diễn đàn đa phương. Tăng cường cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm công tác tại các nước; tiếp tục tiếp nhận các trang, thiết bị tàu xuồng, cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của các nước tài trợ ở các gói tiếp theo và quản lý, sử dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Đẩy mạnh giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức, nắm chắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo, thềm lục địa và hình ảnh, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát biển cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động hội nhập, mở rộng, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Đồng thời, quán triệt, phổ biến cho bộ đội nắm vững nội dung cơ bản các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật liên quan và các hiệp định, hiệp ước Việt Nam tham gia ký kết; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, bảo đảm tinh thông về nghiệp vụ, thông thạo, biết nhiều ngoại ngữ, có khả năng nắm, phân tích, dự báo tình hình trên biển để tham mưu đúng, trúng, kịp thời.

Thực hiện tốt các nội dung trên, thiết thực nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường hiểu biết, củng cố mối quan hệ hữu nghị hợp tác, xây dựng lòng tin, tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Trung tướng, TS. NGUYỄN VĂN SƠN, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.