QPTD -Thứ Hai, 26/02/2018, 12:29 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới quốc gia

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh ở khu vực biên giới. Đây được xác định là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Khu vực biên giới Việt Nam1 là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước. Trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân” cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn và sự tham gia tích cực của Bộ đội Biên phòng, bộ mặt khu vực biên giới có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; những hủ tục, tình trạng tàng trữ, buôn bán, sử dụng hàng cấm, gian lận thương mại qua biên giới,… chưa được khắc phục triệt để. Trong khi đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, làm ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Nhận thức rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và tầm quan trọng của việc xây dựng “thế trận lòng dân”, Bộ đội Biên phòng luôn tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Trọng tâm là, tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, hiệp định, quy chế về biên giới, cửa khẩu, v.v. Qua đó, làm cho nhân dân thấy rõ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trong thực hiện, các đơn vị đã phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông, hệ thống thiết chế văn hóa; kết hợp giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền theo chủ đề, chuyên đề, phù hợp với từng đối tượng. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,… của các thế lực thù địch để gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa Quân đội nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng với đồng bào các dân tộc anh em, hòng phá vỡ “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy địa phương chủ trương, biện pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, trước hết là tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội. Trọng tâm là bồi dưỡng kiến thức, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ thôn, bản, người có uy tín, lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội và phát triển đảng viên mới. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức rõ vai trò của công tác vận động quần chúng, từ đó nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quan trọng này và có giải pháp phù hợp. Để góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng cơ sở, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường 308 cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn; trong đó, có 259 đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền; giới thiệu 1.208 đảng viên ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản.

Đồng thời, tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, trực tiếp giúp nhân dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Các chương trình, phong trào, cách làm thiết thực, hiệu quả, như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”; giúp dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nâng cao dân trí, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Phối hợp với lực lượng y tế địa phương phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng và các hoạt động y tế tại khu vực biên giới; mở các lớp học tình thương, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Cứng hóa nền nhà”, “Nâng bước em tới trường”,… đã làm cho hình ảnh Bộ đội Biên phòng - Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong lòng nhân dân, v.v. Với nhận thức đúng, trách nhiệm cao, tổ chức thực hiện khoa học, phù hợp với thực tiễn, Bộ đội Biên phòng đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới và đạt hiệu quả thiết thực. Nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân ở khu vực biên giới về tăng cường “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngày càng được nâng cao.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (Hà Giang). (Ảnh: bienphong.com.vn)

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia có yêu cầu mới, đan xen cả thuận lợi và khó khăn. Vì thế, để tăng cường “thế trận lòng dân” khu vực biên giới, các cấp ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng cần tập trung thực hiện tốt các nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Một là, nhận thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải tăng cường phối hợp với các tổ chức, lực lượng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, làm cho các đối tượng thấy rõ: xây dựng “thế trận lòng dân” là xây dựng nền tảng, tiềm lực, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng trên địa bàn, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng quan trọng. Vì vậy, các đơn vị Biên phòng cần tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng ở khu vực biên giới làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; chuyển tải mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân biên giới. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quê hương; chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo; quy định của pháp luật về biên giới quốc gia, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới, v.v. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức quốc gia, quốc giới, tinh thần tự tôn dân tộc để mỗi người dân nơi biên giới nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Hai là, tích cực tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới. Để làm được điều đó, các đơn vị Biên phòng cần làm tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền xã, phường biên giới nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân thực hiện. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn, tập huấn, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ tăng cường cho các xã biên giới. Chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, chính quyền thôn, bản và các tổ chức chính trị - xã hội. Làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú để các cấp ủy, tổ chức đảng bồi dưỡng, kết nạp; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong chiến sĩ nghĩa vụ để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở.

Ba là, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thực tiễn cho thấy, khi cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội nói chung và Bộ đội Biên phòng nói riêng sẽ càng được củng cố; “thế trận lòng dân” mới vững chắc. Vì thế, Bộ đội Biên phòng cần tích cực tham gia giúp địa phương xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn nhân dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, cách thức tổ chức sản xuất kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác xã, v.v. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới. Tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, hợp tác hai bên biên giới. Coi trọng thực hiện chương trình phối hợp với các địa phương và lực lượng chuyên trách nước bạn hai bên biên giới; vận động, tổ chức hiệu quả các hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; nâng cao hiệu quả các mô hình, việc làm, chương trình an sinh xã hội đã được khẳng định, như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, kết nghĩa cụm dân cư, đồn Biên phòng với các nước bạn, v.v.

Bốn là, tiếp tục tổ chức nhân dân tham gia các hoạt động, phong trào quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia theo phương châm “mỗi người dân biên giới là một chiến sĩ Biên phòng”. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Trong đó, chú trọng xây dựng, tổ chức các hình thức tự quản trong từng gia đình, dòng họ, thôn, xóm, bản; phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo và ở địa phương. Thực hiện tốt việc giao đoạn đường biên, mốc quốc giới cho các hộ gia đình, tập thể cùng tham gia quản lý, bảo vệ; đồng thời, tổ chức ký cam kết chấp hành quy chế biên giới, quy định về an ninh, trật tự của từng xóm, bản,… tạo sức mạnh “thế trận lòng dân” trong quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ngay từ cơ sở.

Thực hiện tốt những nội dung, giải pháp trên, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên khu vực biên giới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Thiếu tướng ĐỖ DANH VƯỢNG, Chính ủy Bộ đội Biên phòng
________________

1 - Khu vực biên giới có 1.012 xã, phường, thị trấn, thuộc 214 huyện, thành phố, thị xã, của 44 tỉnh, thành phố, với 4.150 km đường biên giới đất liền, tiếp giáp với 03 nước: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và hơn 3.290 km bờ biển.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.