QPTD -Thứ Bảy, 13/08/2011, 23:59 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục-đào tạo trong tình hình mới

Đội ngũ nhà giáo là một trong những nhân tố quyết định đối với sự nghiệp giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) nói chung, các nhà trường quân đội nói riêng. Đội ngũ nhà giáo có chất lượng cao thì sự nghiệp GD-ĐT phát triển và ngược lại, đội ngũ nhà giáo yếu kém, chất lượng thấp, thì sẽ có kết quả tương ứng. Vì thế, trong quá trình đổi mới công tác GD-ĐT, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định.

Quán triệt và triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010” của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị, học viện, trường quân đội triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội đến năm 2010”, đạt kết quả khá toàn diện, vững chắc. Hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã nghiên cứu soạn thảo và trình Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 141/2008/QĐ-BQP, ngày 20-11-2008 về “Quy định một số chế độ chi tiêu cho hoạt động GD-ĐT tại các cơ sở đào tạo trong quân đội”; nhiều trường đã được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt biểu biên chế mới, trong đó có các khoa, bộ môn giáo viên,… tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Nhìn tổng thể, đội ngũ nhà giáo quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đại đa số trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn theo quy định ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường quân đội. Đội ngũ nhà giáo thường xuyên được bổ sung về số lượng, với cơ cấu ngành tương đối hợp lý, trong đó giảng viên thuộc lĩnh vực khoa học quân sự chiếm tỷ lệ cao. Chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên một bước, nhà giáo có trình độ học vấn đại học và sau đại học chiếm 91,57%; trong đó, chức danh khoa học có 13 giáo sư, 217 phó giáo sư. Cơ sở vật chất được tăng cường; hệ thống giảng đường khoa sư phạm, phòng phương pháp tại các học viện, nhà trường từng bước được đầu tư, xây dựng với các trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, rèn luyện về chuyên môn, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực sư phạm.

 Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là, các văn bản pháp quy chưa đồng bộ, chưa cập nhật yêu cầu quản lý nhà giáo. Biểu tổ chức biên chế của một số trường còn lạc hậu, quy định về định mức giảng dạy của nhà giáo chưa được điều chỉnh; việc xét, công nhận chức danh chưa có quy trình cụ thể; chưa có chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo có chức danh khoa học, học vị tiến sĩ trực tiếp giảng dạy, hoạt động trong điều kiện đặc thù là môi trường sư phạm quân sự. Đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng và tỉ lệ đạt chuẩn về chất lượng còn thấp. Đáng chú ý là nhà giáo đầu ngành còn ít, lực lượng kế cận mỏng, nhiều nhà giáo chưa qua thực tế chức vụ đào tạo. Năng lực của một số ít nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học (khoảng 3-5%); cơ cấu chưa cân đối về lứa tuổi; số lượng nhà giáo có trình độ sau đại học, đặc biệt là tiến sĩ ở khối các trường sĩ quan còn thiếu; chính sách ưu đãi nhà giáo còn nhiều bất cập, chế độ đãi ngộ, động viên, khuyến khích nhà giáo về vật chất, tinh thần chưa thật thỏa đáng…

Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT của các nhà trường quân đội, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau.

1. Xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản pháp quy để đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của quân đội về quy mô, lưu lượng, ngành nghề, cấp học, bậc học, phù hợp với đặc điểm của từng loại hình đào tạo. Các văn bản pháp lý cần được tập trung xây dựng và ban hành, gồm: biểu tổ chức biên chế mới, chuẩn chức danh nhà giáo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm đối với nhà giáo quân đội, thông tư quy định mức thời gian làm việc của nhà giáo, chính sách ưu đãi nhà giáo hoạt động đặc thù sư phạm quân sự, chính sách ưu đãi nhà giáo có chức danh khoa học, có trình độ tiến sĩ đang giảng dạy…

2. Bổ sung đủ số lượng, chuẩn hoá chất lượng nhà giáo theo tiêu chuẩn của Nhà nước, các quy định của Bộ Quốc phòng. Phấn đấu đến năm 2010 bổ sung đủ số lượng nhà giáo theo biên chế và có 10% lượng dự trữ. Kiện toàn về tổ chức, biên chế, đảm bảo đủ số lượng, đạt chuẩn chất lượng, có cơ cấu hợp lý về chuyên ngành, độ tuổi, trình độ; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo. Phấn đấu mạnh mẽ để đội ngũ nhà giáo ở các học viện có 60% trở lên đạt trình độ sau đại học, trong đó có 20% tiến sĩ; ở các trường sĩ quan, cao đẳng có 30-40% trở lên đạt trình độ sau đại học, trong đó có từ 25-30% là thạc sĩ, 5-10% là tiến sĩ; ở các trường trung cấp, quân sự, có 70% đạt trình độ đại học, trong đó có 6-10% sau đại học. Để làm được điều đó, có thể khai thác từ các nguồn: giữ học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở lại đào tạo, bồi dưỡng trở thành giáo viên thực hiện công tác giảng dạy hoặc điều động những cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng sư phạm ở các đơn vị về nhà trường làm giáo viên. Tuy nhiên, việc bổ sung phải tiến hành đồng thời với giải quyết chế độ, chính sách với số nhà giáo không đủ tiêu chuẩn về chất lượng theo quy chuẩn mới. Từng bước thực hiện “trẻ hoá” đội ngũ nhà giáo theo hướng có kế hoạch chặt chẽ, cử đi thực tế dự nhiệm ở đơn vị, đưa đi đào tạo sau đại học, nhất là với ngành khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn, để khắc phục tình trạng mất cân đối về lứa tuổi trong đội ngũ nhà giáo. Trên cơ sở kế hoạch kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, các cấp quản lý, các học viện, trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Bộ Quốc phòng để triển khai, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo về trình độ học vấn, đi thực tế qua các cương vị chỉ huy, lãnh đạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học… Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo có trình độ sau đại học, đặc biệt là nhà giáo có khả năng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

3. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhà giáo quân đội nhằm tạo động lực thúc đẩy, thu hút nhân tài vào đội ngũ nhà giáo. Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện đối với đội ngũ nhà giáo quân đội cả về vật chất và tinh thần, để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT trong quân đội. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách đãi ngộ nhà giáo một cách toàn diện, đồng bộ, như: bồi dưỡng, sử dụng; chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp theo chức danh khoa học, học vị; chế độ về nhà ở, đất ở; khen thưởng, tôn vinh; chính sách bảo hiểm xã hội và các chế độ an dưỡng, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan; đầu tư trang thiết bị, nâng cấp phương tiện, điều kiện đi lại, làm việc, sinh hoạt cho nhà giáo… Trước mắt, cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ ban hành chế độ đãi ngộ đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang trực tiếp giảng dạy; có cơ chế trong việc nâng lương, thăng quân hàm trước niên hạn để động viên, khuyến khích, thu hút nhân tài làm nhiệm vụ giảng dạy. Trong quá trình thực hiện, cần chú trọng biểu dương, tôn vinh địa vị xã hội của các nhà giáo, trên cơ sở tính tới đặc điểm, tính chất, điều kiện và tính đặc thù của lao động khoa học quân sự.

4. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện làm việc, bồi dưỡng năng lực sư phạm, tạo điều kiện để các nhà giáo nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Một vấn đề quan trọng là cần tăng cường bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ nhà giáo. Đối với các học viện, phấn đấu phần lớn cán bộ khoa, chủ nhiệm bộ môn chuyên ngành được thực tế dự nhiệm chỉ huy cấp sư đoàn, giảng viên dự nhiệm cấp trung đoàn; các trường sĩ quan có phần lớn cán bộ khoa và chủ nhiệm bộ môn chuyên ngành thực tế dự nhiệm cấp trung đoàn và giảng viên dự nhiệm cấp tiểu đoàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, đưa tỷ lệ nhà giáo qua đào tạo giáo viên lên 60% (riêng các chuyên ngành chính trị, quân sự là 90%); tỷ lệ nhà giáo được bồi dưỡng về sư phạm đạt 90%. Xây dựng các giảng đường khoa sư phạm, phòng phương pháp cho các học viện, trường để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề sư phạm cho giáo viên. Phấn đấu các trường thuộc Bộ, các học viện có giảng đường khoa sư phạm; các trường sĩ quan, trường quân sự quân khu, quân đoàn, trường nghề có phòng phương pháp; tăng cường mở lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ…

Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội là thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT, một tất yếu khách quan của yêu cầu đổi mới GD-ĐT trong các nhà trường quân đội hiện nay. Thực hiện thành công Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội đến năm 2010” sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng, đơn vị, học viện, trường trong toàn quân rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp GD-ĐT trong tình hình mới.

Trung tướng, TS. NGUYỄN TRỌNG THẮNG

Cục trưởng Cục Nhà trường-BTTM

 

Ý kiến bạn đọc (0)