Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:27 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công tác cán bộ (CTCB) luôn giữ vị trí then chốt trong công tác xây dựng Đảng và là một mặt hoạt động trọng yếu của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và các nghị quyết, quy định, quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về CTCB, những năm qua, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp trong quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTCB một cách toàn diện và đạt kết quả tích cực.
Các quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) của Đảng đã được cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Quân đội quán triệt và thực hiện nghiêm túc ở tất cả các khâu, các bước trong tổ chức thực hiện CTCB. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quân đội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, cấp ủy các cấp đã nhận thức đúng đắn và có tầm nhìn xa để quy hoạch đội ngũ, đề ra kế hoạch thực hiện CTCB với bước đi mang tính chủ động và phù hợp; chú trọng gắn xây dựng ĐNCB chủ trì với xây dựng đội ngũ cấp ủy, xây dựng ĐNCB với xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Công tác tạo nguồn cán bộ đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu trước mắt và lâu dài; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, trước hết là cán bộ cơ sở. Quán triệt Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, toàn quân đã bố trí cơ bản đủ chính ủy, phó chính ủy các đơn vị; bảo đảm 92% đến 96% nhu cầu chính trị viên tiểu đoàn và đại đội. Quá trình thực hiện đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ hơn giữa người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên, góp phần thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nghiêm túc hơn. Thực hiện các quan điểm, mục tiêu xây dựng ĐNCB quân đội theo tinh thần Nghị quyết số 94/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương, công tác đào tạo cán bộ đã chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện, trước hết là chất lượng chính trị và năng lực thực tiễn; tích cực hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu, đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng tối ưu hóa, khắc phục sự chồng chéo về nội dung, rút ngắn thời gian đào tạo và đảm bảo ngày càng sát hơn yêu cầu sử dụng cán bộ. Cấp ủy các cấp đã thực hiện có nền nếp việc nhận xét, đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của quần chúng làm thước đo để nhận xét, đánh giá. Việc quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ được thực hiện theo phân cấp, chú trọng mở rộng dân chủ và tuân thủ quy trình chặt chẽ. Công tác xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị đã có những giải pháp phù hợp, bảo đảm giữ vững về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng, từng bước khắc phục sự mất cân đối về địa bàn và chuyên nghiệp quân sự. Công tác kiểm tra, giám sát đã giúp cấp ủy các cấp nắm chắc tình hình ĐNCB và CTCB, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm, góp phần đưa CTCB đi vào nền nếp. Công tác chính sách đã góp phần chăm lo cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của ĐNCB nói chung, ĐNCB làm việc ở nơi khó khăn, gian khổ nói riêng; đồng thời, đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách đặc thù quân sự và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đã ban hành. Điểm nổi bật là, cấp ủy các cấp đã coi trọng giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo CTCB, quản lý ĐNCB và chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong CTCB; mọi vấn đề về cán bộ đều do tập thể cấp ủy có thẩm quyền thảo luận, quyết nghị theo đa số; những vấn đề hệ trọng đều được chuẩn bị kỹ, lấy ý kiến tham gia của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ có liên quan trước khi thảo luận, quyết nghị. Cùng với đó, vai trò tham mưu của cơ quan cán bộcác cấp đã được phát huy, giúp cấp ủy cùng cấp đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTCB đúng với quan điểm, nguyên tắc, quy chế và phù hợp với thực tế của từng đơn vị... Nhờ đó, ĐNCB quân đội ta hiện nay về cơ bản có số lượng đáp ứng nhu cầu biên chế, cơ cấu cân đối, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và có chất lượng ngày càng cao. Trước tác động phức tạp của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, tuyệt đại đa số cán bộ quân đội đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, khả năng chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội trong tình hình mới.
Bên cạnh những thành tựu là cơ bản, CTCB trong quân đội còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa, đề xuất triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về CTCB ở một số cấp ủy chưa sâu sắc, chưa kịp thời và thiếu đồng bộ. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CTCB của một số cấp ủy còn hạn chế. Quy hoạch cán bộ (nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý) còn có biểu hiện khép kín, cục bộ, thiếu quan tâm phát hiện, bồi dưỡng tài năng; cá biệt, có nơi chưa gắn xây dựng ĐNCB chủ trì với xây dựng, kiện toàn cấp ủy. Thực hiện các quy định, quy trình bổ nhiệm, đề bạt, tuyển chọn cán bộ đi học,... có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, cá biệt còn để xảy ra tiêu cực. Công tác đào tạo còn chậm đổi mới chương trình, nội dung và chưa gắn chặt với mục tiêu sử dụng; chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo theo chức vụ với đào tạo theo trình độ học vấn, giữa bồi dưỡng chuyên môn với phát triển nhân cách. Công tác quản lý cán bộ của một số cấp ủy còn hạn chế; năng lực tham mưu, đề xuất của cơ quan cán bộ ở một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, còn có biểu hiện nặng về hành chính, thiếu sâu sát thực tiễn,v.v. Nguyên nhân chính là do một số cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp chưa quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm đổi mới CTCB của Đảng; trong chỉ đạo còn có biểu hiện bị động, trông chờ vào trên; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự sâu sát, quyết liệt.
Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội nói chung và xây dựng ĐNCB nói riêng. Do đó, thời gian tới, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Quân đội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới CTCB một cách toàn diện, thiết thực góp phần xây dựng ĐNCB quân đội vững mạnh. Phương hướng CTCB trong quân đội từ nay đến năm 2020 được Đảng ủy Quân sự Trung ương xác định là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về CTCB. Xây dựng ĐNCB có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có số lượng và cơ cấu hợp lý; có trình độ kiến thức chuyên môn hóa ngày càng cao, năng lực chỉ huy và tổ chức hoạt động thực tiễn tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết hợp chặt chẽ việc giữ gìn cán bộ qua chiến đấu, cán bộ có kinh nghiệm với việc trẻ hóa đội ngũ, tạo sự chuyển biến liên tục, vững chắc giữa các thế hệ; đảm bảo cán bộ quân đội thực sự là nòng cốt, tin cậy của Đảng trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo phương hướng đó, thời gian tới, CTCB trong quân đội cần tập trung thực hiện tốt những nội dung, yêu cầu sau.
Trước hết, tập trung giải quyết về số lượng, điều chỉnh cơ cấu gắn với nâng cao chất lượng ĐNCB; đảm bảo để ĐNCB có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ. Hiện nay, cán bộ cấp phân đội ở một số đơn vị còn thiếu, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa; cán bộ chuyên môn, kỹ thuật chưa đáp ứng đủ yêu cầu biên chế, có nơi dư, nhưng có nơi thiếu cùng loại cán bộ đó. Để khắc phục tình trạng trên, cần có biện pháp duy trì ổn định số lượng cán bộ đưa vào, chuyển ra. Khi có biến động về tổ chức, biên chế, phải có biện pháp và bước đi phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến tư tưởng của ĐNCB. Giải pháp cơ bản, vững chắc là phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ bậc đại học để đưa vào đội ngũ; tiếp tục đào tạo cán bộ cấp phân đội 3 năm; hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không đào tạo ngắn hạn; chú ý xây dựng kế hoạch đào tạo lại số trung đội trưởng và trợ lý cấp huyện đã qua đào tạo ngắn hạn trước đây. Cần tổ chức tốt việc tuyên truyền hướng nghiệp và có chính sách thu hút, động viên sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành chuyên môn, kỹ thuật cần thiết vào quân đội, thông qua tuyển quân, tuyển dụng, đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ quân đội. Tích cực tạo nguồn sĩ quan dự bị từ nhiều hướng và nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan dự bị; tăng cường đào tạo sĩ quan dự bị binh chủng và sĩ quan dự bị cho những địa bàn chiến lược xung yếu; tổ chức chặt chẽ việc đăng ký, quản lý số sĩ quan dự bị hiện có, nhất là ở các thành phố và khu công nghiệp; tăng ngân sách và tích cực huy động nguồn ngân sách địa phương để tổ chức đào tạo, huấn luyện, bổ túc, chuyển loại sĩ quan dự bị.
Hai là, chú trọng thực hiện đồng bộ các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng toàn diện ĐNCB, trước hết là chất lượng chính trị; trọng tâm là nâng cao trình độ cán bộ chỉ huy, quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và chuyên gia đầu ngành. Để làm tốt điều đó, cần coi trọng thực hiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo mới đối với các loại cán bộ; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ gắn với trình độ học vấn tương ứng; khắc phục sự trùng lắp kiến thức giữa các cấp học, bậc học theo tinh thần Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương. Trong đào tạo, cùng với nâng cao trình độ lý luận, hết sức chú ý bồi dưỡng năng lực thực tiễn, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng ngoại ngữ và tin học; gắn đào tạo chuyên ngành với giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực kinh tế-xã hội cho cán bộ; kết hợp giữa đào tạo tại nhà trường với đào tạo tại chức; gắn đào tạo với tự đào tạo. Các nhà trường quân đội cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện chặt chẽ quy trình tuyển chọn đầu vào, chống mọi biểu hiện tiêu cực; thực hiện có hiệu quả việc liên kết đào tạo giữa các trường trong quân đội với các trường ngoài quân đội và các trường ngoài nước. Cần nghiên cứu, thực hiện đào tạo cán bộ khoa học công nghệ thành những kíp đồng bộ theo các chương trình, dự án, trọng tâm là các dự án về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đối với số cán bộ được đào tạo ở nước ngoài, cần bố trí sử dụng hợp lý, tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, kiến thức được học tập vào phục vụ có hiệu quả cao cho quân đội.
Ba là, xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, bảo đảm sự kế thừa liên tục, vững chắc trong quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ và thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ. Để khắc phục sự hẫng hụt ĐNCB và phát hiện ra những cán bộ có tài năng thực sự, phải xây dựng và thực hiện tốt nền nếp quy hoạch cán bộ. Trong năm đầu nhiệm kỳ, cấp uỷ các cấp phải xây dựng quy hoạch cán bộ; hằng năm phải rà soát quy hoạch và có sự bổ sung kịp thời; thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt và quản lý quy hoạch cán bộ của từng cấp theo quy định. Trong quy hoạch, mỗi chức danh phải có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi, bảo đảm trong từng đơn vị thường xuyên có 1/3 cán bộ ở lứa tuổi trẻ; riêng với các tỉnh, huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, phải có tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp. Trong luân chuyển cán bộ, cần chú ý luân chuyển giữa các địa phương; giữa cơ quan với đơn vị, giữa chủ lực với địa phương và ngược lại. Trong các đơn vị chủ lực, cần luân chuyển cán bộ từ nơi thuận lợi đến nơi khó khăn để rèn luyện; luân chuyển có thời hạn đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc việc bổ nhiệm có thời hạn và bổ nhiệm lại đối với cán bộ chỉ huy, quản lý.
Chuẩn bị cho đại hội đảng nhiệm kỳ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2010 - 2015, công tác quy hoạch ĐNCB cần bám sát mục tiêu xây dựng ĐNCB từ nay đến năm 2020. Riêng cán bộ chủ trì, lãnh đạo phải là những đồng chí tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức, lối sống; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, có tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết cao; có năng lực tổ chức thực hiện và phương pháp, tác phong công tác tốt; có đủ tiêu chuẩn để được bầu vào cấp ủy cấp mình và tham gia cấp ủy cấp trên. Đối với những đảng bộ cơ sở thực hiện chủ trương thí điểm đại hội trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư (theo Thông báo số 210-TB/TW ngày 22-12-2008 của Bộ Chính trị), CTCB cần chú ý thực hiện tốt việc chuẩn bị nhân sự trước đại hội, hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ; trong đó có quy hoạch nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư nhiệm kỳ tới, làm cơ sở để giới thiệu nhân sự bầu cử tại đại hội.
Bốn là, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo CTCB và quản lý ĐNCB; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đi đôi với phát huy trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy và cơ quan chính trị trong CTCB; kết hợp chặt chẽ xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì với xây dựng cấp ủy các cấp trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đúng các quy trình, quy định về CTCB. Nhằm thể chế hóa nguyên tắc Đảng lãnh đạo CTCB và quản lý ĐNCB, cấp ủy các cấp cần thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện quy chế về CTCB, phân cấp quản lý cán bộ cụ thể và thực hiện đúng thẩm quyền quản lý cán bộ theo phân công, phân cấp; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý cán bộ với quản lý đảng viên, giữa quản lý của tổ chức, của quần chúng với từng cán bộ tự quản lý, tự rèn luyện. Chú trọng đổi mới phương pháp và duy trì nghiêm chế độ nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ và đột xuất theo từng nhiệm vụ, bảo đảm thực sự dân chủ, công khai trong CTCB.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo CTCB của cấp ủy các cấp; thực hiện tốt việc giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý. Trong kiểm tra, cần chú ý kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định về CTCB; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế CTCB ở các cấp; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của cơ quan kiểm tra các cấp trong việc tham mưu, đề xuất và kiểm tra, giám sát CTCB theo Quyết định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị, trọng tâm là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành quy chế, chế độ, quy định về CTCB, nhằm ngăn chặn kịp thời những biểu hiện lệch lạc, thiếu sót, khuyết điểm trong CTCB.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách để giữ gìn, thu hút cán bộ. Trong bối cảnh hiện nay, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ĐNCB quân đội luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên bản thân cán bộ tại ngũ yên tâm phấn đấu, cống hiến và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào phục vụ quân đội. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đối với lao động của sĩ quan, cán bộ quân đội (được xác định là loại lao động đặc biệt) và thể chế hóa theo từng nhóm đối tượng. Trong thời gian tới, cần triển khai xây dựng các dự án về nhà ở, đất ở cho cán bộ; tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách tiền lương, các loại phụ cấp đặc thù, chính sách khuyến khích đối với cán bộ công tác ở nơi khó khăn, biên giới, hải đảo; có chính sách luân phiên cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa. Chú ý nghiên cứu, cải tiến các phương thức tổ chức nghỉ dưỡng đối với cán bộ phù hợp nhu cầu phát triển của xã hội; quản lý, nắm chắc sức khỏe của cán bộ và hậu phương gia đình cán bộ; phát hiện và chăm sóc, điều trị kịp thời cán bộ mắc bệnh; chăm lo giải quyết tận tình, chu đáo các chế độ, chính sách đối với người có công và các tồn đọng chính sách khác.
Nhằm thực hiện tốt phương hướng CTCB và những nội dung, yêu cầu trên, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần hết sức coi trọng xây dựng cơ quan cán bộ vững mạnh toàn diện, thực sự làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTCB một cách toàn diện; đồng thời, hướng dẫn cấp dưới triển khai thực hiện CTCB đúng với quan điểm, đường lối CTCB của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và cấp ủy cùng cấp. Để thực hiện tốt điều đó, cần thường xuyên nghiên cứu, kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan cán bộ các cấp, bảo đảm đủ về số lượng theo từng loại hình đơn vị; đồng thời, coi trọng nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính trong CTCB. Cùng với đó, cần chú trọng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, trình độ, năng lực nghiệp vụ đối với đội ngũ làm CTCB từ cơ quan chiến lược của Bộ đến cấp cơ sở.
Trung tướng NGÔ XUÂN LỊCH
Ủy viên BCHTƯ Đảng,
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011