Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:05 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công tác dân vận (CTDV) là một chức năng quan trọng của quân đội ta. Đối với Binh đoàn 15, thực hiện tốt công tác này còn tác động trực tiếp tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP) được giao. Thông qua CTDV, Binh đoàn trực tiếp tham gia xóa đói, giảm nghèo; xây dựng các khu dân cư; tạo lập thế trận quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Đồng thời, làm tốt CTDV còn tạo ra cơ sở quan trọng để khai thác nguồn lực tại chỗ, đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ thành quả sản xuất kinh tế của Binh đoàn. Nhận thức rõ vấn đề đó, trong nhiều năm qua, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã chú trọng tăng cường và đổi mới phương thức tiến hành CTDV, sao cho phù hợp với thực tế của địa bàn và tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của một đơn vị KT-QP.
Địa bàn công tác của Binh đoàn hiện nay trải rộng trên 7 huyện và 1 thành phố, thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; dọc biên giới tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Nơi đây chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, từng là căn cứ kháng chiến cũ; cư dân phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống du canh, du cư, phát rừng làm rẫy; nhiều gia đình hằng năm thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng. Những khó khăn trên cùng với sự hạn chế về trình độ dân trí và các tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu đã tạo ra những cản trở lớn cho sự phát triển của địa bàn. Điều đáng quan tâm là: các thế lực thù địch tập trung khoét sâu vào những khó khăn, hạn chế trên; đồng thời, lợi dụng bản tính chân thật của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa mỵ, xuyên tạc, nhằm lôi kéo đồng bào vào các hoạt động chống phá cách mạng, làm cho tình hình địa bàn nảy sinh các nhân tố gây mất ổn định về an ninh, chính trị, xã hội...
Thực tế trên đòi hỏi CTDV, tham gia xây dựng cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập; những yếu tố cản trở sự phát triển đang tồn tại và nảy sinh. Việc làm này cần được tiến hành trong một thời gian dài, với sự tham gia tích cực của mọi cấp, ngành, lực lượng trong hệ thống chính trị trên địa bàn. Từ chức năng, nhiệm vụ của mình, Binh đoàn đã xác định: lấy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế kết hợp với xây dựng các cụm điểm dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn là phương thức dân vận chủ yếu.
Những năm qua, Binh đoàn đã thực hiện nhất quán chủ trương "mở rộng sản xuất đến đâu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển dân cư đến đó". Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay Binh đoàn đã xây dựng được 6 trung tâm cụm dân cư và 35 khu tập thể đan xen với các thôn, làng đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương. Gắn liền với mở rộng sản xuất, xây dựng các cụm dân cư, Binh đoàn đã xây dựng, nâng cấp hơn 1000 km đường giao thông liên huyện, liên xã, làm 130 km đường dây tải điện, 3 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, 104 hồ đập ngăn, chứa nước, 9 trường trung học cơ sở, 23 trường tiểu học, 180 nhà trẻ, mẫu giáo, 1 bệnh viện, 2 phân viện, 8 bệnh xá... Cùng việc làm trên, với sự kiên trì vận động của cán bộ Binh đoàn, sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các già làng, trưởng thôn, Binh đoàn đã tuyển dụng được 4.280 hộ với trên 6.000 lao động là người đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vào làm việc trong các công ty, đơn vị của Binh đoàn. Sống tập trung trong các khu dân cư, đồng bào có thu nhập ổn định; được thường xuyên tham gia vào các hoạt động chính trị-xã hội; thực hiện định canh, định cư; từng bước chuyển đổi nhận thức, xóa bỏ các thói quen, tập tục lạc hậu, tiếp thu, vận dụng các tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất; đồng thời, còn được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật. Đến nay, đã có gần 1 vạn lượt người là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn được đào tạo, bồi dưỡng về tay nghề. Một số cán bộ người dân tộc thiểu số đã được kết nạp Đảng; được đào tạo qua các lớp y tá, trường trung cấp kỹ thuật và các trường lý luận... để phục vụ quân đội và địa phương cả về trước mắt và lâu dài...
Qua kiểm nghiệm thực tế cho thấy, phương thức dân vận nói trên của Binh đoàn là hoàn toàn phù hợp, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao ý thức chính trị và củng cố lòng tin của đồng bào đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân; chủ động ngăn ngừa có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên địa bàn.
Trong tiến hành CTDV, Binh đoàn đã chú trọng đổi mới, kết hợp nhiều hình thức dân vận phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của địa bàn miền núi, biên giới có đông đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện phương châm: Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng, Binh đoàn đã tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 130 thôn, làng. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các đơn vị đã tổ chức kết nghĩa giữa các hộ gia đình công nhân với 1.661 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Theo định kỳ, các cấp của Binh đoàn đã duy trì thành nền nếp chế độ hội nghị liên tịch với địa phương, tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn để thống nhất các nội dung, hình thức dân vận; Đảng ủy Binh đoàn đã có nhiều biện pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch công tác, duy trì sinh hoạt, giao ban hằng tháng, sơ, tổng kết hằng năm và tham gia giúp cấp ủy các cấp (đặc biệt là cấp xã, thôn) nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên và phát triển đảng viên mới, góp phần cùng địa phương xóa tình trạng: thôn, làng "trắng" đảng viên. Bộ máy chính quyền từ xã đến thôn, làng từng bước được củng cố, hoạt động có nhiều tiến bộ, phương pháp điều hành được đổi mới, linh hoạt hơn trước, kịp thời nắm bắt, giải quyết tốt những vướng mắc trong nhân dân. Trong 5 năm qua, các đơn vị đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ về cơ sở phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của địa phương, thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền lợi của nhân dân đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược "Diễn biến hòa bình"; vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch, không theo bọn phản động Fulrô, "Tin lành Đềga", không tham gia biểu tình, bạo loạn và vượt biên trái phép. Trong hoạt động CTDV, các đơn vị luôn chú trọng tuyên truyền chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", các phong trào "Xóa đói, giảm nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa". Ở những thời điểm khó khăn, tình hình an ninh chính trị phức tạp, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động của Binh đoàn luôn là lực lượng đi đầu, tích cực tham gia giải quyết, giúp dân khắc phục hậu quả.
Trong tiến hành CTDV, cán bộ, chiến sĩ luôn thực hiện miệng nói, tay làm, "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin"; phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền công tác khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật, thực hiện các mô hình trình diễn làm lúa nước, chăn nuôi bò, khai hoang, phục hóa đồng ruộng..., đào tạo và đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho thợ khai thác cao su; hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... cho đồng bào trên địa bàn. Bên cạnh việc tham gia xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa, xã hội, các đơn vị trong Binh đoàn còn đầu tư phương tiện san ủi vườn đồi, cải tạo đồng ruộng; hỗ trợ cây giống, vật nuôi... cho những gia đình khó khăn để xóa đói, giảm nghèo. Hằng năm, Binh đoàn đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công để tham gia vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; giúp dân phòng chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe, cứu đói; thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa... Những việc làm trên đã góp phần tích cực để đồng bào trên địa bàn khắc phục tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Đến nay, đại đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân của Binh đoàn không còn rơi vào tình trạng đói giáp hạt, nhiều hộ đã có thu nhập cao, tiêu biểu như ông Rơ Ma B.Lao (Công ty 75), ông Rơ Ma K.Lum (Công ty 74)... hằng năm đã có thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng. Các tập tục lạc hậu, thói quen canh tác chọc, tỉa, di cư tự do, đốt rừng làm rẫy đã được giảm thiểu. Đồng bào được tổ chức và tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động chính trị-xã hội nên có ý thức trách nhiệm và tình cảm gắn bó với bản làng, quê hương, luôn đề cao cảnh giác trước những lời xúi dục, kích động của bọn xấu.
Trước yêu cầu mới của tình hình, nhằm góp phần đảm bảo sự ổn định về tình hình an ninh chính trị, cùng với việc tiếp tục chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Binh đoàn đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, trước hết là lực lượng Công an và lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn để tiến hành CTDV. Từ năm 2004, Bộ Tư lệnh Binh đoàn và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh chính trị-xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn biên giới. Năm 2006, Tư lệnh Binh đoàn và Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an ninh nông thôn trên địa bàn. Sự phối hợp hoạt động đó được duy trì chặt chẽ, thường xuyên, thiết thực góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiều âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch được ngăn chặn, các đường dây tổ chức người vượt biên trái pháp luật bị vô hiệu hóa; tình trạng vượt biên trái pháp luật, hoạt động tội phạm trên biên giới, lấy cắp sản phẩm, phá hoại phương tiện, tài sản trong các cơ sở sản xuất của Binh đoàn được kịp thời ngăn ngừa, xử lý...
Từ thực tế tiến hành CTDV trên địa bàn Tây Nguyên của Binh đoàn 15 cho thấy: để tiến hành CTDV có hiệu quả, trước hết phải luôn quán triệt, vận dụng, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với một địa bàn chiến lược, miền núi, biên giới, có đông đồng bào các dân tộc thiểu số.
CTDV của Binh đoàn cần được kết hợp đồng bộ các giải pháp về kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó, việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế giữ vai trò trung tâm.
Bên cạnh phát huy vai trò của mọi lực lượng trong đơn vị, cần hết sức chú trọng thực hiện thường xuyên, chặt chẽ việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn để tiến hành CTDV.
Phải chú trọng thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành CTDV sao cho phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của địa bàn và của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Tận tụy gắn bó, chia ngọt, xẻ bùi, đồng cam, cộng khổ với đồng bào; nói đi đôi với làm; tôn trọng phong tục, tập quán dân tộc; phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, trên cơ sở không ngừng học tập, rèn luyện, thể hiện rõ phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ là những yêu cầu thiết thực để nâng cao hiệu quả CTDV đối với một đơn vị KT-QP trong thời kỳ mới.
Đại tá LÃ VĂN MÙI
Phó Chính ủy Binh đoàn 15
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011