QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:44 (GMT+7)
Tập trung xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh ở tỉnh biên giới Đồng Tháp
Dân quân, tự vệ (DQTV) là lực lượng vũ trang (LLVT) quần chúng ở cơ sở, không thoát ly sản xuất, công tác; là một bộ phận của LLVT nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự các cấp; là một trong những công cụ chủ yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước ở cơ sở. Nhận thức rõ điều đó, trong quá trình thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, Đồng Tháp luôn chú trọng xây dựng lực lượng DQTV theo hướng “vững mạnh, toàn diện, rộng khắp”, bảo đảm ở đâu có dân, có tổ chức sản xuất, ở đó có DQTV, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Đặc biệt, năm 2005 Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp đã ban hành “Đề án xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2006-2010”. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện một cách cơ bản, hệ thống, nhằm xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về tổ chức lực lượng DQTV, Tỉnh và các địa phương, cơ sở đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện nghiêm Pháp lệnh về DQTV, tạo sự ổn định và hợp lý về số lượng, quy mô tổ chức phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và điều kiện, khả năng thực tế của từng địa phương, cơ sở. Hiện nay, lực lượng DQTV đạt tỷ lệ 1,65% so với số dân; riêng các địa bàn trọng điểm và biên giới có tỷ lệ cao hơn. Cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc các quy định trong tạo nguồn DQTV, thực hiện quy trình giải ngạch và kết nạp mới, đảm bảo đúng chế độ luân phiên theo quy định của Pháp lệnh về DQTV.

Quy mô tổ chức, biên chế, cơ cấu các thành phần của lực lượng DQTV được xây dựng tinh, gọn, bảo đảm có bộ binh, binh chủng, có lực lượng cơ động và lực lượng rộng rãi, phù hợp với tổ chức hành chính (khóm, ấp, xã, phường) trên từng địa bàn dân cư và các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các khóm, ấp tổ chức một tổ đến tiểu đội dân quân tại chỗ; các xã, phường tổ chức một trung đội cơ động, làm nhiệm vụ SSCĐ, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức từ một trung đội đến đại đội dân quân cơ động, sẵn sàng huy động thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất trên địa bàn. Riêng 8 xã biên giới và địa bàn trọng điểm, tổ chức 1 tiểu đoàn dân quân thường trực do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với lực lượng tự vệ, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nông trường tổ chức duy trì ở mức 15 - 20% so với tổng số cán bộ, công nhân viên. Thực hiện các hướng dẫn của trên, Tỉnh đang nghiên cứu phối hợp với các ngành chủ quản, doanh nghiệp để thành lập các Ban chỉ huy Quân sự trực thuộc cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã; tiến hành khảo sát, thành lập lực lượng tự vệ ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trang bị vũ khí dự trữ SSCĐ theo quy định cho DQTV, chỉ đạo các địa bàn trọng điểm xây dựng trung đội, tiểu đội DQTV binh chủng cần thiết, như pháo binh, phòng không, thông tin, trinh sát, công binh… nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu khi có tình huống xảy ra.
Cùng với việc tổ chức, xây dựng lực lượng, Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng chính trị của lực lượng DQTV, tuyển chọn từ những công dân có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, có văn hóa, sức khỏe, đủ độ tin cậy về chính trị và tăng số lượng đảng viên, đoàn viên ưu tú vào DQTV. Đồng thời, phát huy dân chủ cơ sở, dựa vào dân để phát hiện kịp thời và kiên quyết loại những người không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo độ tin cậy về chính trị ra khỏi DQTV.
Quán triệt Chỉ thị 16-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và dự bị động viên trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 04/NQTU và tổ chức quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp để triển khai thực hiện. Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan quân sự huyện, thị, thành phố bố trí cán bộ công tác giúp cơ sở, chủ động phối hợp cùng cơ quan, đoàn thể và Ban chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn để nắm chất lượng chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng DQTV trong thực hiện nhiệm vụ quân sự địa phương. Đồng thời, phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Tỉnh xây dựng kế hoạch liên tịch về phát triển đoàn viên, kết nạp đảng viên trong lực lượng DQTV. Thường xuyên tiến hành phân tích, đánh giá đúng chất lượng chính trị, nhất là tỷ lệ đảng viên trong DQTV để tham mưu, đề xuất những giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở tạo nguồn phát triển đảng trong lực lượng DQTV đạt hiệu quả. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ quân sự, chi bộ an ninh - quốc phòng đủ sức lãnh đạo lực lượng DQTV. Nhờ đó, chất lượng chính trị của DQTV được nâng lên, tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 8,46%, đoàn viên đạt 42,45%; có hơn 85% xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ quân sự, số địa phương còn lại đều thành lập chi bộ quân sự - an ninh. Đội ngũ cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn được kiện toàn, sắp xếp đúng quy định của Pháp lệnh; hầu hết các chỉ huy trưởng đều đủ điều kiện tham gia cấp uỷ, uỷ viên UBND cùng cấp, có 128/142 chỉ huy trưởng quân sự được bầu vào cấp uỷ, góp phần tạo sự chuyển biến toàn diện trong xây dựng, nâng cao chất lượng chính trị cho lực lượng DQTV. Phấn đấu đến năm 2010, 100% cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự; khóm, ấp đội, tiểu đội, khẩu đội trưởng, trung đội trưởng dân quân đều là đảng viên.
Công tác giáo dục, huấn luyện DQTV được thực hiện nghiêm túc theo nội dung, chương trình của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị quy định cho từng đối tượng. Tỉnh chỉ đạo huấn luyện DQTV theo hướng tập trung, thống nhất, trước hết chú trọng tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở. Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn và cán bộ trung đội, đại đội dân quân cơ động, đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách quân sự và một số cán bộ quản lý lực lượng DQTV và binh chủng… được bồi dưỡng tập trung tại Trường Quân sự địa phương và Trung tâm chính trị của các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức quân sự, chính trị, tổ chức phương pháp huấn luyện, Tỉnh chỉ đạo các lớp tập huấn chú trọng nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, phối hợp điều hành, góp phần thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các cán bộ là bí thư, chủ tịch xã, phường, trưởng (phó) đầu ngành của tỉnh, huyện, thành phố, thị xã; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ chỉ huy, quản lý lực lượng DQTV.
Tỉnh thường xuyên cải tiến nội dung và phương pháp huấn luyện cho phân đội và chiến sĩ DQTV. Nội dung huấn luyện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng địa bàn, từng vùng, từng hướng phòng thủ, bảo đảm sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống tại chỗ, nhất là các “điểm nóng” xảy ra trên địa bàn. Trong huấn luyện, thực hiện phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng” phù hợp với nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ an ninh ở cơ sở; đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện đối với chiến sĩ DQTV năm thứ nhất và DQTV binh chủng. Chỉ đạo dân quân các xã biên giới phối hợp với bộ đội Biên phòng huấn luyện một số nội dung tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh chống xâm canh, xâm cư, chống buôn lậu qua biên giới. Sau mỗi giai đoạn huấn luyện và kết thúc năm huấn luyện đều tổ chức kiểm tra, hội thao, hội thi để đánh giá kết quả và kịp thời bổ sung vào chương trình huấn luyện những nội dung mới cho phù hợp với đặc thù của một tỉnh biên giới, đồng bằng sông nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV trên địa bàn.
Trong 5 năm gần đây, công tác  giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và diễn tập  cho lực lượng DQTV được đổi mới, thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng; trong đó huấn luyện cho dân quân cơ động đạt bình quân 99,97%/ năm, dân quân thường trực đạt 100%, dân quân binh chủng đạt 99,86%; dân quân năm thứ hai trở lên đạt 96,94%... Do được tổ chức huấn luyện chu đáo, lực lượng DQTV của Tỉnh đã và đang phát huy tốt vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là trong bảo vệ trật tự trị an và là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng chống thiên tai, lũ lụt, chống cháy rừng ở địa phương.
Thường xuyên đầu tư trang bị kỹ thuật, chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho lực lượng DQTV cũng là một nội dung quan trọng được Tỉnh hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác quân sự địa phương, xây dựng, củng cố lực lượng DQTV ngày một vững mạnh. Quán triệt sâu sắc nội dung Pháp lệnh DQTV, Nghị định 35/CP và các hướng dẫn khác của trên, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ra Nghị quyết lãnh đạo và huy động các lực lượng trong xã hội, các tổ chức kinh tế tham gia đóng góp quĩ quốc phòng - an ninh. UBND Tỉnh ra qui định về thu - chi, hướng dẫn quản lý, sử dụng quỹ, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương lập quĩ, nhằm bảo đảm nguồn ngân sách cho hoạt động của lực lượng DQTV. Hằng năm, Tỉnh và các địa phương đã trích hàng trăm triệu đồng từ nguồn quỹ để đầu tư xây dựng, huấn luyện và diễn tập cho lực lượng DQTV. Để tuần tra, kiểm soát, quản lý và bảo vệ đường biên, nhất là trong mùa mưa lũ, ngoài việc đảm bảo đủ cơ số vũ khí, trang bị cho dự trữ và SSCĐ, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu, đề xuất với UBND Tỉnh đầu tư, cấp mới, bổ sung đủ trang bị, vật tư; trang bị thuyền, xuồng máy cho DQTV ở vùng biên giới; trang bị xe gắn máy cho các đơn vị thường trực DQTV trong nội địa. Các điểm chốt của DQTV được cấp điện thoại bàn; nơi trọng điểm, xung yếu, biên giới được trang bị điện thoại cầm tay… Không những thế, UBND Tỉnh còn chi hàng trăm triệu đồng để chuẩn hóa quân trang đồng phục; bảo đảm phụ cấp, bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày cho những cán bộ, chiến sĩ luân phiên trực làm nhiệm vụ SSCĐ và trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập. Thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho gia đình DQTV có hoàn cảnh neo đơn, bị thiên tai, ốm đau, bệnh tật... Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ đều yên tâm, xác định tốt trách nhiệm, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sức cơ động và khả năng SSCĐ của DQTV được nâng lên, sự phối hợp giữa DQTV với các lực lượng công an, biên phòng trong tổ chức tuần tra, bảo vệ trị an, chống vượt biên, buôn lậu, phòng chống, khắc phục lũ lụt và lao động giúp dân, tuyên truyền vận động quần chúng và công tác ngoại giao nhân dân trên tuyến biên giới của Tỉnh ngày càng hiệu quả. Tỉnh và các địa phương, cơ sở của Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện Pháp lệnh về DQTV; đang triển khai tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị 16- CT/TƯ của Ban Bí thư (Khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, nhằm xây dựng lực lượng DQTV đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng ngày càng hiệu quả, thực sự là công cụ tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Đại tá Lâm Minh Trai
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)