QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 09:50 (GMT+7)
Quân đội nhân dân Lào 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Quân đội nhân dân Lào 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 

Sự ra đời của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Lào gắn liền với sự phát triển của cách mạng Lào và cách mạng Đông Dương. Những năm đầu cách mạng, LLVT Pa-thét Lào mới xây dựng được các tiểu đội, trung đội ở huyện, tỉnh và đại đội độc lập ở một số khu vực; hoạt động chủ yếu theo phương thức “vũ trang tuyên truyền”. Để thống nhất về chỉ huy và đáp ứng với yêu cầu đấu tranh lâu dài, theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 20-1-1949, tại chiến khu Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn đã tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ít-xa-la (còn gọi là bộ đội Pa-thét Lào, Quân đội Pa-thét Lào) – Quân đội nhân dân (QĐND) Lào ngày nay. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước đột phá trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân các bộ tộc Lào. Sự ra đời của Quân đội Pa-thét Lào xuất phát từ yêu cầu đấu tranh vũ trang của cách mạng Lào, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong việc xây dựng quân đội cách mạng phù hợp với điều kiện cụ thể của Lào. Ra đời từ nhân dân, mục tiêu chiến đấu vì nhân dân các bộ tộc Lào; hơn nữa, lại được cách mạng soi đường, nên ngay sau khi thành lập, mặc dù số lượng ít, trang bị còn thô sơ, song bộ đội Pa-thét Lào đã thể hiện được bản chất của một quân đội cách mạng. Đó là nguồn gốc tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của QĐND Lào trong 60 năm qua.

Với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường” và xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu của cách mạng Đông Dương, bộ đội Pa-thét Lào luôn kề vai, sát cánh cùng quân dân Việt Nam, quân dân Căm-pu-chia trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng. Sau khi được thành lập, bộ đội Pa-thét Lào đã cùng với bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu và giành thắng lợi trong chiến dịch Xiềng Khọ (6-1949), chiến dịch Sông Mã (11-1949), làm cho tuyến phòng thủ của quân Pháp ở Bắc Lào bị phá vỡ; trong khi đó, cơ sở hậu phương ở Bắc Lào được mở rộng, tuyến biên giới Lào – Việt ở phía Bắc được mở thông, căn cứ địa của Trung ương cách mạng Lào có điều kiện để củng cố. Những thắng lợi bước đầu đó càng làm cho Quân đội Pa-thét Lào tin tưởng vào sức mạnh của mình và sức mạnh của sự đoàn kết chiến đấu Lào – Việt.

Do yêu cầu của thực tiễn, từ năm 1950, tổ chức lực lượng và hệ thống chỉ huy quân sự ở Lào đã có sự điều chỉnh. Giữa năm 1951, Chính phủ kháng chiến Lào thành lập Bộ Chỉ huy Quân sự tại Hạ Lào với 3 mặt trận và 1 căn cứ địa (mặt trận Sê Công, Tây Nam, Cao nguyên Sa-ra Bô-lô-ven và căn cứ địa Miền Đông). Cùng với đó, LLVT ở Trung Lào, Đông Bắc Lào và kể cả ở Tây Lào cũng có sự phát triển. Các đơn vị chủ lực lần lượt được thành lập và lực lượng dân quân, du kích tăng nhanh (cuối năm 1952, toàn quốc đã có trên 30.000 dân quân, du kích). Đó là cơ sở để Quân đội Pa-thét Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch Thượng Lào (trung tuần tháng 4-1953) – chiến dịch lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Lào. Chiến dịch Thượng Lào thắng lớn, không chỉ giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa mà còn thúc đẩy hàng loạt chiến dịch nổ ra và giành thắng lợi ở Trung Lào, Hạ Lào và Tây Lào sau đó. Riêng Đông Xuân 1953 – 1954, trên chiến trường Lào, Quân đội Pa-thét Lào đã phối hợp tác chiến với quân tình nguyện Việt Nam, loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên địch, giải phóng 10 vạn km2 (không kể tỉnh Hủa Phăn), tạo điều kiện để quân và dân Việt Nam đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), đẩy quân Pháp vào thế thất bại trên toàn Đông Dương. Bị thất bại nặng nề cả về quân sự và chính trị, Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia. Hiệp định thừa nhận Pa-thét Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết ở hai tỉnh Hủa Phăn và Phông-xa-lỳ.

Tuy nhiên, Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết thì Mỹ ráo riết can thiệp vào 3 nước Đông Dương, đặt Lào, miền Nam Việt Nam và Căm-pu-chia vào “khu vực bảo hộ” của Mỹ. Tại Lào, Mỹ lập ra chính quyền phái hữu Viêng Chăn, cải tổ quân đội ngụy, tăng cường viện trợ quân sự nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở Lào. Trước bối cảnh đó, tình đoàn kết Lào – Việt lại tiếp tục tỏa sáng. Với sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam, Pa-thét Lào hoàn thành Đề án xây dựng quân đội phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong giai đoạn mới. Theo Đề án, Bộ Quốc phòng Lào có ba cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần; Trường Quân chính Com-ma-đam, Tỉnh đội Hủa Phăn và Tỉnh đội Phông-xa-lỳ. Tổ chức LLVT Lào có ba thứ quân, gồm: các tiểu đoàn chủ lực, bộ đội địa phương (đại đội tập trung của tỉnh, trung đội tập trung của huyện) và các đội du kích ở xã, bản, các tổ tự vệ ở cơ quan, xí nghiệp.

Để đáp ứng với tình hình mới, ngày 22-3-1955, những người Cộng sản Lào đã thành lập Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Ngay sau khi ra đời, Đảng đã bắt tay vào giải quyết hàng loạt vấn đề do thực tiễn đặt ra, trong đó có việc đẩy mạnh Đề án xây dựng quân đội. Song song với việc xây dựng về tổ chức, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Lào còn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với phương châm: “Lấy chính trị làm chính, đào tạo cán bộ làm chính”, từ đó triển khai các đợt giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự trong toàn quân. Nhờ vậy, sau hai năm xây dựng, quân đội đã có bước phát triển cả về quy mô tổ chức, trình độ chỉ huy và khả năng tác chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, bộ đội Pa-thét Lào là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Từ tháng 10-1954 đến tháng 8-1956, bộ đội Pa-thét Lào đã cùng nhân dân đánh bại nhiều cuộc tiến công với các quy mô của lực lượng phái hữu Viêng Chăn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 5.000 tên địch. Thắng lợi của LLVT Pa-thét đã buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Viêng Chăn ngày 20-10-1957, lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất có sự tham gia của Mặt trận Lào yêu nước, thừa nhận vai trò và địa vị hợp pháp của Mặt trận. Song, với bản chất hiếu chiến xâm lược, đế quốc Mỹ và tay sai đã ngay lập tức phản bội lại chính những điều mà chúng ký kết. Thâm độc hơn, tháng 8-1958, Mỹ đã lật đổ Chính phủ Liên hiệp, dựng lên chính phủ cực hữu thân Mỹ, gạt các thành viên Pa-thét Lào ra khỏi chính quyền mới; đòi tước vũ khí của bộ đội Pa-thét Lào; trắng trợn bắt giam chủ tịch Xu-pha-nu-vông cùng nhiều nhà lãnh đạo khác của Lào và mưu toan thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào.

Trước tình hình trên, Đảng Nhân dân Lào đã kịp thời chuyển hướng đấu tranh với phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Chấp hành chủ trương của Đảng, bộ đội Pa-thét Lào vừa tranh thủ thời gian chỉnh đốn lực lượng, vừa tích cực cùng nhân dân phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đánh địch đồng loạt trên tất cả các hướng. Đặc biệt, sau khi nắm được ý định của Mỹ định đưa quân vào căn cứ Sê-nô, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy tối cao Lào đã quyết định mở chiến dịch tiến công vào quân ngụy Lào ở Luông Nậm Thà. Chỉ trong vòng một tháng, quân dân Pa-thét Lào đã cùng quân tình nguyện Việt Nam quét sạch quân địch ra khỏi Luông Nậm Thà, giải phóng gần 8.000 km2 , với 7 vạn dân.

Thắng lợi của quân và dân Lào đồng nghĩa với thất bại của Mỹ và tay sai, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào (23-7-1962), chấp nhận thành lập chính phủ ba phái (Chính phủ Liên hiệp lần thứ hai). Tuy nhiên, cũng giống như trước, Mỹ lại làm hậu thuẫn cho lực lượng đảo chính quân sự, lật đổ Chính phủ Liên hiệp, xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào, dựng lên chính quyền tay sai thân Mỹ và tổ chức “lực lượng đặc biệt” do Vàng Pao chỉ huy; đồng thời, dùng không quân đánh phá trên hầu hết các chiến trường Lào.

Đối phó với hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ và tay sai, Đảng Nhân dân Lào chủ trương phát động chiến tranh nhân dân, tăng cường xây dựng LLVT, hình thành khối chủ lực gồm các tiểu đoàn tập trung cơ động và phát triển mạnh lực lượng du kích trong cả nước. Ngày 20-1-1966, bộ đội Pa-thét Lào đổi tên thành Quân giải phóng nhân dân Lào. Từ năm 1964 đến năm 1968, Quân giải phóng nhân dân Lào đã liên tục đánh bại cuộc hành quân Xổn Xay 1 và Xổn Xay 2 của địch; tháng 1-1968, mở chiến dịch Nậm Bạc, đánh tan 4 binh đoàn cơ động của địch, giải phóng Nậm Bạc và vùng Khăn Đeng. Tiếp đó, năm 1971, Quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp chặt chẽ với QĐND Việt Nam đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân ngụy Sài Gòn trên Đường số 9–Nam Lào. Cũng trong năm đó, quân dân Lào còn mở nhiều cuộc tiến công địch ở Pắc-xoong, giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven; đập tan đợt phản kích cuối cùng của lực lượng Vàng Pao, bảo vệ vững chắc khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Đó là những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến sự thay đổi căn bản về tương quan so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng; đồng thời, khẳng định sự trưởng thành và phát triển lớn mạnh của Quân giải phóng nhân dân Lào.

Cùng với thắng lợi của quân và dân Lào, quân và dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi có tính quyết định đến số phận của Mỹ ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (27-1-1973) và Hiệp định Viêng Chăn về Lào (21-2-1973). Đặc biệt, chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 của dân tộc Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ các bộ tộc Lào và tạo thời cơ có tính lịch sử đối với cách mạng Lào. Ngày 5-5-1975, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã hạ quyết tâm chiến lược phát động toàn quân, toàn dân đồng loạt nổi dậy và tiến công toàn diện để giành chính quyền trong cả nước. Thực hiện quyết tâm của Đảng, Quân giải phóng nhân dân Lào đã cùng nhân dân tiến công và nổi dậy, đập tan hệ thống chính quyền phản cách mạng, thành lập chính quyền cách mạng ở hầu hết các vùng bị chiếm đóng. Sau khi xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền phản động, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân các dân tộc trong cả nước. Đại hội đã quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chính thức ra đời, đánh dấu một chương mới trong lịch sử đương đại Lào, đưa đất nước “Triệu Voi” tiến vào một thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau năm 1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào non trẻ đã phải đứng trước những thử thách rất nặng nề. Đó là mưu toan lật đổ chính quyền của các thế lực thù địch. Ở một số nơi, bọn tàn quân ngụy cấu kết với bọn phản động lưu vong còn ngang nhiên chống phá chính quyền và sát hại nhân dân. Vì vậy, để bảo đảm cho nhân dân các bộ tộc Lào thực sự được sống trong tự do, độc lập; để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Nhà nước Lào xác định nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn là “Nhiệm vụ hàng đầu và có tầm quan trọng số một”. Ngay sau ngày đất nước được giải phóng, Đảng và Chính phủ Lào đã tập trung xây dựng, củng cố QĐND, phát triển khả năng quốc phòng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của các LLVT. Các trung đoàn chủ lực, các sư đoàn chủ lực lần lượt được thành lập. Thành phần của quân đội bao gồm cả bộ binh, tăng-thiết giáp, pháo binh, công binh, thông tin, đặc công, phòng không, không quân... Bên cạnh đó, hệ thống các học viện, nhà trường cũng từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Song song với phát triển về quy mô lực lượng, Đảng, Chính phủ Lào luôn coi trọng xây dựng quân đội về chính trị. Đó là cơ sở mới, là yếu tố quan trọng để QĐND Lào tiếp tục giành được những chiến công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu cho những chiến công đó là quân đội đã đập tan cuộc bạo loạn của địch ở Bắc Lào (3-1977); tiến công vào tận sào huyệt của bọn phản động lưu vong ở đảo Xinh Xụ (tây bắc Thủ đô Viêng Chăn, 4-1977); tiến công, phản công đánh bại hành động khiêu khích, lấn chiếm biên giới (khu vực biên giới Lào – Thái) của bọn phản động lưu vong và lực lượng hỗ trợ cho chúng (từ cuối năm 1987 đến đầu năm 1988), v.v. Không chỉ là đội quân chiến đấu, QĐND Lào còn là đội quân sản xuất và công tác, góp phần cùng Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào đồng thời thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, QĐND Lào đã được Nhà nước Lào tặng thưởng ba huân chương Vàng quốc gia-phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Lào. Đối với mỗi công dân Lào, QĐND là hình tượng của niềm tin, lòng dũng cảm và niềm tự hào sâu sắc. Trải qua chặng đường 60 năm, dù tên gọi là bộ đội Pa-thét Lào, là Quân giải phóng nhân dân Lào, hay QĐND Lào (từ năm 1982), thì bản chất của quân đội vẫn không hề thay đổi. Trước sau như một, QĐND Lào vẫn từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, xứng đáng là trụ cột vững chắc của cách mạng, là công cụ chuyên chính sắc bén của Nhà nước Lào. Những phẩm chất ấy là bằng chứng rõ ràng nhất về sự trưởng thành của QĐND Lào. Sự trưởng thành đó là kết quả của cả một quá trình dài gắn liền với thực tiễn đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ cách mạng. Sự trưởng thành đó còn là kết quả của 60 năm thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa QĐND Lào và QĐND Việt Nam. Bởi vậy, có thể nói, tình đoàn kết chiến đấu không biết mệt mỏi của quân đội hai nước là một biểu tượng sáng ngời trong mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, đặc biệt trong sáng có một không hai giữa hai nước Lào – Việt. Đó chính là cơ sở và là động lực để QĐND Lào tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển phồn vinh của hai quốc gia Lào – Việt trong thời kỳ mới.

Đại tá PHON-SẢ PHỊ-LA-VÔNG

Trưởng phòng Tùy viên Quân sự Lào tại Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)