Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:05 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Lực lượng bán vũ trang (LLBVT), còn gọi là lực lượng bán quân sự (cũng có nước gọi là dân quân, dân binh,...), là tổ chức vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, đảm nhiệm các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng- an ninh ở địa phương hay ở một địa bàn lãnh thổ nhất định.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp; nhất là, nguy cơ chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao, xung đột quân sự, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tình trạng tranh giành chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên và các vấn đề an ninh phi truyền thống đang có chiều hướng gia tăng, thì cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang thường trực, nhiều nước chú trọng xây dựng LLBVT, coi đây là một mặt công tác có tầm quan trọng chiến lược. Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước, trong chiến tranh cục bộ hiện đại, với lợi thế bố trí rộng khắp trên cả nước, khả năng tác chiến tại chỗ cũng như tác chiến cơ động linh hoạt trong không gian rộng, cách đánh biến hóa khôn lường..., LLBVT vẫn là lực lượng chủ yếu trong tác chiến bảo vệ địa phương, phòng thủ khu vực, ngăn cản bước tiến của bộ binh, gây tổn thất buộc đối phương không thể thực hiện được ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh". Đối với các mối đe dọa phi truyền thống, nhất là các hoạt động khủng bố, bạo loạn, các thảm họa thiên tai, môi trường..., thì LLBVT có vai trò quan trọng, mà chưa có lực lượng nào thay thế được. Là lực lượng vũ trang quần chúng, bố trí, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ ngay tại địa phương, LLBVT có điều kiện nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động trong xây dựng kế hoạch, các phương án tác chiến để phòng, chống và đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa nêu trên.
Xây dựng LLBVT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mục tiêu chính trị, chiến lược quốc phòng, học thuyết quân sự, khả năng kinh tế, trình độ khoa học-công nghệ...Theo đó, mỗi nước có quan điểm, biện pháp riêng; song nhìn tổng thể, thấy nổi lên một số đặc điểm chủ yếu sau:
1- Cải cách thể chế, cơ chế, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng LLBVT.
LLBVT được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, nhưng có tính xã hội hóa cao, liên quan trực tiếp tới mọi cấp, mọi ngành dân sự, nên đảm bảo vai trò và hiệu lực quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước là một trong những yêu cầu quan trọng có tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, một số nước tập trung vào 3 mặt chủ yếu: 1- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý công tác xây dựng LLBVT từ cấp Chính phủ cho tới các bộ, ban, ngành, địa phương. 2- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về xây dựng LLBVT, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, chính sách, cơ chế quản lý và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan các cấp trong công tác này. 3- Hoàn thiện hệ thống luật, các văn bản pháp quy về xây dựng LLBVT, làm cơ sở để tăng cường vai trò quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong xây dựng LLBVT.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế cùng đan xen phát triển, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Theo đó, Trung Quốc chú trọng đầu tư xây dựng LLBVT (gọi là dân quân) vững mạnh về mọi mặt; coi đây là một mặt chiến lược trong xây dựng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Để quản lý tốt lực lượng dân quân (hiện có khoảng 10 triệu người), trải rộng trên toàn bộ lãnh thổ của đất nước, Trung Quốc rất chú trọng xây dựng hệ thống luật quốc phòng nói chung, luật về công tác dân quân nói riêng. Vừa qua, Trung Quốc đã thông qua Điều lệ công tác dân quân; trong đó, quy định 3 nhiệm vụ của công tác dân quân: Một là, thành lập và biên chế tổ chức chắc chắn, đảm bảo quân số hậu bị cần thiết trù bị cho thời chiến. Hai là, tham gia xây dựng kinh tế- xã hội, làm công tác phục vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn trật tự xã hội. Ba là, tham gia chiến đấu, chi viện tiền tuyến, chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, dân quân có nhiệm vụ xây dựng, sản xuất và đối phó với các tình huống bất trắc, như: phòng chống bão lụt, hạn hán, cháy nổ, dịch bệnh và phòng thủ dân sự. Trong thời chiến, chi viện tham gia chiến đấu, bảo vệ biên giới, cảnh giới phòng không, trinh sát nắm địch, dẫn đường, địch vận, cứu thương, rà phá bom mìn, sửa chữa cầu đường, v.v. Dân quân Trung Quốc do Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương lãnh đạo kép, thống nhất thành một hệ thống đảng ủy, chính quyền, quân sự hoàn chỉnh từ Trung ương tới địa phương. Bộ Tổng Tham mưu chủ quản công tác dân quân toàn quốc. Các quân khu phụ trách công tác dân quân trong phạm vi khu vực mình. Cơ quan quân sự các quân khu tỉnh, phân quân khu và huyện đều là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo dân quân địa phương đó. Tại các hương, xã, phường, thị trấn đều thành lập Phòng vũ trang nhân dân để phụ trách công tác dân quân. Các cấp chính quyền địa phương cũng có quyền hạn, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc dân quân hoàn thành nhiệm vụ.
2- Chú trọng cải tiến công tác tổ chức biên chế LLBVT, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại.
Đây là một nội dung quan trọng trong xây dựng LLBVT, được các nước hết sức coi trọng. Theo các chuyên gia quân sự, hiện trên thế giới có 3 mô hình tổ chức LLBVT tiêu biểu: Thứ nhất là mô hình thống nhất binh-dân (Thụy Sĩ và một số nước Tây Âu đang áp dụng). Mô hình này dựa trên quan điểm "toàn dân là lính", tổ chức thành dân quân chính quy và dân quân dự bị. Ở Thụy Sĩ, dân quân chính quy có khoảng 44.000 người; trong đó, Lục quân biên chế gồm 3 Bộ Tư lệnh tập đoàn quân dã chiến, 1 Bộ Tư lệnh Quân đoàn vùng núi, 6 sư đoàn dã chiến, 3 sư đoàn bộ binh vùng núi, 5 lữ đoàn xe tăng...; Không quân biên chế gồm 1 lữ đoàn hàng không, 1 lữ đoàn sân bay, 1 lữ đoàn phòng không... Dân quân dự bị có khoảng 351.000 người. Các dân quân vũ trang chia làm 3 loại: dân quân tinh nhuệ, là những dân quân có đủ tiêu chuẩn, độ tuổi từ 20 đến 32; dân quân vệ quốc là những dân quân có đủ tiêu chuẩn, độ tuổi từ 32 đến 42; dân quân quốc dân là những dân quân có đủ tiêu chuẩn, độ tuổi từ 43 đến 50. Các dân quân sau khi kết thúc thời hạn phục vụ thì chuyển sang ngạch dân phòng. Thứ hai là mô hình quân dịch với dự bị dịch mà Mỹ đang áp dụng. Mỹ tổ chức Đội cảnh vệ quốc dân; đây là tổ chức vũ trang của chính quyền các bang, là bộ phận hợp thành của bộ đội ngạch dự bị. Đội cảnh vệ quốc dân có hai lực lượng chính là Đội cảnh vệ quốc dân của lục quân và Đội cảnh vệ quốc dân của không quân. Trong thời bình, Đội cảnh vệ quốc dân trực thuộc chính quyền các bang và đảm nhiệm các công việc trị an và cứu hộ, cứu nạn ở địa phương. Thời chiến, lực lượng này được điều động phục vụ quân đội. Đội viên Đội cảnh vệ quốc dân gồm các thanh niên đến tuổi nghĩa vụ, được chính quyền các bang tuyển dụng theo nguyên tắc tự nguyện và không thoát ly khỏi sản xuất và những quân nhân hết hạn phục vụ quân dịch chuyển sang ngạch dự bị. Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập Cục sự vụ Đội cảnh vệ quốc dân, trực thuộc Bộ Lục quân và Bộ Không quân, có chức năng hiệp đồng, tổ chức huấn luyện chiến đấu và giữ mối liên hệ giữa quân đội với chính quyền các bang. Mỹ đã nhiều lần điều động Đội cảnh vệ quốc dân cho chiến tranh: chiến tranh thế giới lần 2 là 300.000 người; chiến tranh Triều Tiên là 180.000 người; chiến tranh vùng Vịnh Pec-xic (1991) đã điều động đội viên Đội cảnh vệ quốc dân của 48/54 bang. Thứ ba là mô hình bổ trợ cho quân đội, được nhiều nước áp dụng. Một số nước ASEAN tổ chức lực lượng dân quân do Bộ Tổng Tham mưu liên quân trực tiếp phụ trách. Tùy điều kiện tự nhiên, dân số và yêu cầu nhiệm vụ, các quân khu, tỉnh thành lập các đơn vị dân quân từ cấp sư đoàn đến cấp đại đội. Quân nhân bao gồm là công nhân, nông dân, nhân viên các cơ quan hành chính, sinh viên..., theo quy định của pháp luật. Trung Quốc tổ chức dân quân theo nguyên tắc "3 tiện lợi": tiện lãnh đạo, tiện hoạt động, tiện chấp hành nhiệm vụ. Ở nông thôn, thường lấy đơn vị hành chính là thôn, tùy theo dân số để biên chế các đơn vị dân quân từ cấp trung đoàn đến cấp trung đội. Tại các thành phố, trong xu hướng xí nghiệp nước ngoài, xí nghiệp tư nhân đang tăng nhanh, tùy vào điều kiện, đặc điểm cụ thể để tổ chức biên chế các đơn vị dân quân cho phù hợp. Tại các khu vực, hướng trọng yếu chiến lược của đất nước, tổ chức các tiểu đoàn, trung đoàn dân quân pháo phòng không, pháo mặt đất. Hiện nay, trọng điểm dân quân Trung Quốc đang chuyển từ nông thôn sang thành thị và ven tuyến giao thông; kết cấu biên chế tổ chức cũng thay đổi từ tổ chức ở các xí nghiệp quốc doanh chuyển sang các xí nghiệp dân doanh; từ lấy bộ binh làm chính sang lấy đội ngũ chuyên nghiệp làm chính để tiến hành điều chỉnh tổ chức thành các phân đội chuyên nghiệp kỹ thuật, pháo phòng không, pháo binh, tên lửa, thông tin, công binh, hóa học, trinh sát, tin học... Dân quân tổ chức thành 2 loại: dân quân cốt cán là lực lượng nòng cốt, gồm các quân nhân xuất ngũ, có độ tuổi từ 28 trở xuống và công dân đã qua huấn luyện cơ bản. Ở các khu vực biên giới trên bộ, biển, đảo, điều kiện tuyển dụng dân quân cốt cán được vận dụng linh hoạt. Những công dân nam có độ tuổi từ 18 đến 35 chưa được tuyển vào dân quân cốt cán thì biên chế vào dân quân phổ thông.
3- Tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị; cải tiến, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLBVT.
Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ mới, LLBVT đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Với quan điểm "thống nhất giữa thường trực và dự bị", Đội cảnh vệ quốc dân của Mỹ được trang bị hiện đại, chia làm 2 bộ phận: bộ phận nòng cốt được trang bị cơ bản như quân thường trực, như súng trường M.16, pháo lựu tự hành M.109A1/M.109A2 loại 155 mm, máy bay trực thăng Apache-AH64A, xe tăng ABARRAM-M1/M141; Đội cảnh vệ quốc dân không quân được trang bị máy bay F.15, A.10, nhưng so với đơn vị thường trực thì số phi công thường ít hơn, chủ yếu là nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Bộ phận còn lại được trang bị kém hiện đại hơn, thường là các loại vũ khí mà quân đội thải loại. Tùy vào nhiệm vụ, Trung Quốc trang bị cho lực lượng dân quân các loại trang bị để giữ gìn an ninh, trang bị chống khủng bố, trang bị phòng không, trang bị trinh sát. Hệ thống chỉ huy điều khiển của một số đơn vị dân quân đang chuyển từ các khí tài thao tác bằng tay sang khí tài số hóa, tự động hóa, đảm bảo khả năng chỉ huy, kể cả chỉ huy vượt cấp. Hệ thống điều khiển hỏa lực có các loại pháo phòng không: 57mm kiểu 1959; 25 mm hai nòng kiểu 1987; 35mm hai nòng kiểu 1999; tên lửa vác vai.... Các vũ khí, trang bị này đang được hiện đại hóa, cải tiến nâng cấp để có khả năng nhìn đêm, kỹ thuật số hóa, nhằm nâng cao khả năng tác chiến.
Cùng với tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị, các nước cũng chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu cho LLBVT. Nhiều nước lấy tiêu chuẩn huấn luyện LLBVT gần ngang bằng với tiêu chuẩn huấn luyện của quân thường trực, do quân thường trực tiếp quản lý và tổ chức huấn luyện định kỳ tại các trung tâm huấn luyện, các trường quân sự, các đơn vị quân đội. Mỹ quy định quân nhân Đội cảnh vệ quốc dân phải huấn luyện định kỳ tại các đơn vị quân đội theo chuyên nghiệp quân sự; giai đoạn cuối năm phải huấn luyện "dã ngoại" (khoảng 17 đến 18 giờ) ở các khu vực có điều kiện khắc nghiệt. Nhân viên Đội cảnh vệ quốc dân không quân phải huấn luyện bay 120 giờ và phải tham gia huấn luyện dã ngoại với thời gian tối thiểu là 15 ngày. Khi đất nước chuyển sang thời chiến, Đội cảnh vệ quốc dân được huấn luyện theo chế độ thời chiến, với cường độ cao, do giáo viên và sĩ quan thường trực quản lý và huấn luyện. Trung Quốc và một số nước ASEAN đề ra yêu cầu huấn luyện LLBVT sát với yêu cầu nhiệm vụ, môi trường tác chiến hiện đại. Nội dung huấn luyện chú trọng nâng cao trình độ kỹ-chiến thuật, nghiệp vụ chuyên môn, nhất là huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng trong điều kiện mới.
MINH ĐỨC
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011