QPTD -Chủ Nhật, 21/08/2011, 23:53 (GMT+7)
Đôi nét về “Quyền lực mềm” trong quan hệ quốc tế

Xưa nay, nói đến quyền lực là người ta thường nói đến quyền uy gắn với những quốc gia có thực lực kinh tế, quân sự hùng mạnh. Nhưng giờ đây, quyền lực hẳn không chỉ như vậy. Trên thực tế, còn có một dạng quyền lực khác - “Quyền lực mềm”. Đó là dạng quyền lực đang chiếm một chỗ đứng quan trọng trong quan hệ quốc tế (QHQT).

 

Quyền lực mềm là gì?

“Quyền lực mềm” là khái niệm được Giô-dép Ni*, một giáo sư người Mỹ và là tác giả của học thuyết Sức mạnh mềm, đưa ra năm 1990. Theo ông, quyền lực mềm là khả năng kiểm soát hành vi của người khác để đoạt lấy thứ mình muốn. Ông cho rằng, quyền lực có ba cách cơ bản: ép buộc người khác bằng sự đe dọa tức là dùng “cây gậy” hay “quyền lực cứng”; dụ dỗ người khác bằng lợi ích (tiền bạc, vật chất, danh vọng...) hay “củ cà rốt” và cuối cùng là thu hút, hấp dẫn người khác bằng sức hấp dẫn (các giá trị, tư tưởng...) hay chính là “quyền lực mềm”.

G.Ni còn chỉ ra rằng, quyền lực mềm xuất phát từ nền văn hóa và một quốc gia được cho là có quyền lực mềm khi văn hóa của quốc gia ấy có sức hút lớn với các tác nhân bên ngoài. Mặc dù xuất phát từ nền văn hóa, nhưng vẫn theo G.Ni, quyền lực mềm có hai cách vận hành. Thứ nhất, quyền lực mềm vận hành trực tiếp thông qua việc thành lập các mạng lưới khi một lãnh đạo bị thu hút bởi một lãnh đạo khác. Thứ hai, quyền lực mềm tạo ra hình ảnh để các quốc gia khác phải ứng phó theo một cách nhất định. Theo ông, khi một quốc gia tạo ra hình ảnh đẹp, tự quốc gia đó đã tạo ra sức hút và gây ảnh hưởng tích cực đến các quốc gia khác. Ông cũng cho rằng, quyền lực mềm không nhất thiết là trò chơi người thắng kẻ bại, mà có thể là một trò chơi hai bên cùng thắng. Ví dụ, một chính sách hấp dẫn sẽ làm tăng quyền lực mềm cho cả hai. Các vấn đề toàn cầu đang nổi lên là những thách thức lớn đối với nhân loại, theo G.Ni, là những khoảng trống cơ hội để các quốc gia đưa ra sáng kiến thể hiện quyền lực mềm của mình. Sau cùng, tác giả của học thuyết Sức mạnh mềm còn đưa ra ba nguồn cơ sở chính để tạo nên quyền lực mềm, gồm: chính sách, giá trị và đối ngoại.

Nhiều học giả khác, tuy không phản đối, nhưng cũng chưa hẳn nhất trí hoàn toàn với định nghĩa của G.Ni về quyền lực mềm. Có học giả định nghĩa quyền lực mềm một cách “mềm” hơn, đó là “khả năng thu phục người khác bằng những lợi ích hay những giá trị của mình”. Như vậy, xét về bản chất, hai cách định nghĩa về quyền lực mềm trên là giống nhau, song có thể thấy, định nghĩa của G.Ni có tính mục đích hơn, chủ động hơn trong việc tạo ra quyền lực mềm và sử dụng nó. Một số học giả khác cho rằng, sử dụng quyền lực mềm khó hơn nhiều so với quyền lực cứng. Ví dụ, một quốc gia nghèo, dù có nền văn hóa đa dạng nhưng sự ổn định về chính trị không được đảm bảo thì cũng khó có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, chứ chưa nói đến việc có thể tạo ra “một hình ảnh đẹp” để hấp dẫn và gây ảnh hưởng đối với bên ngoài. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ về sự tồn tại của loại quyền lực (sức mạnh) này, thậm chí theo một số nhà phân tích, quyền lực mềm đôi khi còn giữ vai trò quyết định trong các mối QHQT.

Biểu hiện của quyền lực mềm trong QHQT.

Hiện nay, khái niệm quyền lực mềm đã được nhiều nước sử dụng trong chính sách đối ngoại của mình, điển hình là Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Xin-ga-po và Hàn Quốc. Trên thực tế, đã có những cuộc đua ngầm về quyền lực mềm giữa một số quốc gia. Những năm gần đây, Trung Quốc đã lấy văn hóa làm “công cụ” để truyền bá hình ảnh của Trung Quốc ra bên ngoài nhằm tăng quyền lực mềm của mình. Theo Tân Hoa xã, tính tới tháng 11-2009, Trung Quốc đã có cả thảy 282 học viện Khổng Tử, khoảng 272 lớp dạy Hán ngữ ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ tại 5 châu lục. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ nâng số học viện Khổng Tử lên con số 1.000 trên khắp thế giới. Các học viện này có sứ mệnh truyền bá ra thế giới một hình ảnh Trung Quốc “hài hòa” và đang “trỗi dậy hòa bình”, đáng tin cậy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, để tạo dựng quyền lực mềm như mong muốn thì Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thuyết phục cộng đồng quốc tế.

Tương tự như Trung Quốc, mặc dù là siêu cường số 1 thế giới, Mỹ rất quan tâm đến quyền lực mềm. Phần lớn các đời tổng thống Mỹ đều đề cập việc “phổ biến dân chủ” như cách để người Mỹ gia tăng ảnh hưởng, tăng cường quyền lực mềm của mình. Hai chủ điểm của “khoa học chính sách” là kinh tế thị trường và thể chế điều hành là những giá trị mà người Mỹ cho rằng chúng có được là do xuất phát từ dân chủ. Từ năm 1966 đến nay, trường chính sách công Ha-vớt Ken-nơ-đi không ngừng tạo sự ảnh hưởng của Mỹ ra khắp thế giới. Hiện nay, trường này có 15 trung tâm và hàng chục chương trình giao lưu, giảng dạy về các giá trị dân chủ, quan điểm thực thi chính sách v.v. Nhiều chính trị gia trên thế giới đã tham gia các khóa đào tạo và hàng chục nghìn người đã được nghe các hội thảo về dân chủ do trường này tổ chức. Nhờ vậy, cùng với lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh, việc tích cực phổ quát các giá trị dân chủ đã giúp Mỹ tạo ra một quyền lực mềm không nhỏ đối với bên ngoài.

Tuy nhiên, thẳng thừng bác bỏ Nghị định thư Ki-ô-tô, dùng sức mạnh quân sự can dự đơn phương vào I-rắc - một quốc gia có chủ quyền, v.v. là những bằng chứng cho thấy chính quyền G.W.Bu-sơ xem ra không mặn mà gì đối với quyền lực mềm. Tất nhiên, cái mà Chính quyền G.W.Bu-sơ nhận được sau các hành động đó là một hình ảnh nước Mỹ bị xấu đi nghiêm trọng, thậm chí Mỹ trở thành quốc gia bị căm ghét đối với rất nhiều người. Dù ở cuối nhiệm kỳ, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã có một vài hành động mang tính mềm dẻo, ôn hòa hơn, song, theo nhiều nhà phân tích, việc chú ý đến quyền lực mềm của Chính quyền G.W.Bu-sơ là quá muộn.

Với Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống B.Ô-ba-ma thì có phần khác trước. Vẫn dùng sức mạnh quân sự làm “cây gậy” để chống khủng bố và răn đe các lực lượng có lợi ích đối lập, nhưng bên cạnh đó, Oa-sinh-tơn cũng có những chính sách thể hiện sự khôn ngoan và linh hoạt. Việc Oa-sinh-tơn lên tiếng tôn trọng Thế giới Hồi giáo; tuyên bố tạm ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu; xác lập mối quan hệ với Nga theo hướng tích cực - nhất là cùng Nga ký Hiệp ước START mới và tuyên bố trong chiến lược hạt nhân của mình rằng sẽ không tiến công hạt nhân vào bất kỳ nước nào không có vũ khí hạt nhân..., đã làm cho hình ảnh nước Mỹ được cải thiện. Đó chính là biểu hiện của cái gọi là kết hợp “sức mạnh cứng” với quyền lực mềm để tạo nên một “quyền lực thông minh” mà ông chủ Nhà Trắng đang theo đuổi.

Nếu Trung Quốc dùng văn hóa làm “công cụ”, Mỹ dùng giá trị dân chủ kết hợp với các chính sách đối ngoại khôn ngoan để đạt lấy quyền lực mềm, thì Pháp dùng uy tín của mình làm trung gian hòa giải và làm trung gian đảm bảo lợi ích giữa Liên minh châu Âu và Nga. Còn đất nước Xin-ga-po nhỏ bé thì tạo ra quyền lực mềm cho mình bằng thương hiệu: “Thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc”.

Như vậy, rõ ràng là quyền lực mềm đã và đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của nó trong đời sống chính trị, kinh tế quốc tế. Trong xu thế đối thoại, hợp tác, liên kết toàn cầu hiện nay, việc lạm dụng “quyền lực cứng” sẽ khó phát huy tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Còn đối với quyền lực mềm, mặc dù G.Ni đã cảnh báo rằng không loại trừ động cơ xấu của nó, thì việc dùng quyền lực mềm để gây ảnh hưởng vẫn tốt hơn nhiều so với việc đối đáp với nhau bằng súng đạn.

Việt Nam với việc tạo ra và sử dụng quyền lực mềm của mình.  

Trong việc xây dựng quyền lực mềm, G.Ni ẩn dụ rằng, vấn đề cốt lõi là viết nên câu chuyện của riêng quốc gia mình một cách hấp dẫn, và người chiến thắng chính là người viết được câu chuyện riêng đó. Thật vậy, Việt Nam đã viết nên một trong những câu chuyện như thế trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên thực tế, thông qua câu chuyện của mình, Việt Nam đã xây dựng nên quyền lực mềm có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bên ngoài, để rồi nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đó là nhân tố quan trọng, góp phần để Việt Nam nhanh chóng đi đến kết thúc chiến tranh, giành độc lập dân tộc.

Trong điều kiện ngày nay, theo G.Ni, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng quyền lực mềm của mình. Vấn đề là Việt Nam làm thế nào để tiếp tục viết nên một câu chuyện mới một cách thuyết phục nhất. Để làm được điều đó, theo ông, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam có thể đóng góp thiết thực và mạnh mẽ hơn vào các vấn đề khu vực và toàn cầu, qua đó nâng cao hình ảnh Việt Nam, quyền lực mềm Việt Nam. Ông gợi ý rằng, là một trong năm quốc gia trên thế giới được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam có thể dẫn đầu trong các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu và tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác toàn cầu về vấn đề này. Đó là những việc làm không chỉ trực tiếp mang lại lợi ích cho Việt Nam, mà còn giúp Việt Nam gia tăng tính hấp dẫn của mình trong ASEAN, cũng như mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế.

Việt Nam là một đất nước hiếu khách, có nền văn hóa đa dạng, ổn định về chính trị và có dân số trẻ. Đó là những giá trị nền tảng để Việt Nam tạo ra sức hút “tự nhiên” đối với bên ngoài. Tuy nhiên, sự chủ động rất quan trọng. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường trao đổi văn hóa với các quốc gia khác; khuyến khích sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước; đồng thời, khuyến khích người nước ngoài đến Việt Nam để nâng cao hiểu biết của bên ngoài đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế cho mạng lưới an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục là những vấn đề rất quan trọng, nhằm tạo ra một hình ảnh đẹp của Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, G.Ni cho rằng, tạo quyền lực mềm là công việc đòi hỏi sự kiên trì, gắn liền với nó là một chiến lược được hoạch định cụ thể. Việt Nam cũng cần phải như vậy.

ĐỨC LÊ

__________

[*] Tháng 1-2010, G.Ni đã sang Việt Nam dự lễ công bố bình chọn 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Top 500) theo lời mời của Báo VietnamNet và Công ty VNR500.

 

Ý kiến bạn đọc (0)