Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:29 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, ngày 14-6-2005, kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá XI đã thông qua Luật Quốc phòng. Việc thông qua và ban hành Luật Quốc phòng có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Cùng với các nội dung khác, Chương V của Luật Quốc phòng xác định: “Phòng thủ dân sự (PTDS) là bộ phận trong hệ thống phòng thủ quốc gia, gồm các biện pháp chủ động phòng chống chiến tranh hoặc thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hoạt động của cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”; đồng thời, quy định rõ nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm hoá học: “Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt, chất độc, chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ…”, “giữ gìn và bảo vệ môi trường”...
Để triển khai thực hiện Luật Quốc phòng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định số 117/2008/NĐ-CP. Nghị định đã quy định về nhiệm vụ; cơ chế bảo đảm đầu tư; tổ chức, huấn luyện; phòng, chống, khắc phục hậu quả các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học, sinh học (gọi chung là vũ khí huỷ diệt lớn (VKHDL)) và các thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong PTDS. Theo đó, ngày 01-03-2010, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BQP “Hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 117/2008/NĐ-CP về PTDS”. Thông tư đã hướng dẫn về tổ chức lực lượng PTDS; hệ thống công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; huấn luyện, diễn tập PTDS; hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; chế độ sơ, tổng kết, báo cáo, kiểm tra, thanh tra về PTDS theo quy định của Nghị định số 117/2008/NĐ-CP.
Với những nội dung nêu trên, Luật Quốc phòng và các nghị định, thông tư đã khẳng định tính pháp lý của nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện công tác phòng hoá trong thời gian tới; thúc đẩy các bước phát triển mới trong việc tham gia PTDS. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng; nhất là, trong điều kiện hóa chất độc hại, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta là rất lớn (ước tính làm ô nhiễm khoảng 20% diện tích đất toàn quốc), trong đó có nhiều điểm “nóng” nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện sinh sống của nhân dân. Mặt khác, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng làm nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp về môi trường, đòi hỏi sự chủ động, tích cực của các lực lượng, đặc biệt là Bộ đội Hóa học.
Từ kinh nghiệm phòng hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả hóa học do chiến tranh để lại, cũng như thực tiễn giải quyết các sự cố về môi trường trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, để triển khai thực hiện tốt Luật Quốc phòng, chúng tôi đề xuất một số nội dung, biện pháp chủ yếu cần tiến hành đồng bộ như sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng hoá cho mọi đối tượng, không chỉ nhằm đối phó với nguy cơ VKHDL trong chiến tranh mà ngay cả với các tác nhân độc hại trong thời bình. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào cảnh báo nguy cơ, tác hại của các loại VKHDL trong chiến tranh, các tình huống độc hại thời bình do các sự cố, thiên tai và hoạt động khủng bố, phá hoại gây ra; các biện pháp giản đơn trong phát hiện, đề phòng, cấp cứu, phân tán, sơ tán; các phương pháp sử dụng khí tài phòng hoá cho mình và giúp đỡ người khác; các phương pháp tự chế tạo các phương tiện phòng hộ từ các vật liệu tại chỗ để xử trí các tình huống khẩn cấp.
Chương trình giáo dục, phổ biến kiến thức phòng chống VKHDL được bố trí trong chương trình giáo dục, đào tạo ở các nhà trường; các khoá bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cần thực hiện đúng quy định trong Thông tư số 21/2010/TT-BQP (nội dung học tập về PTDS ít nhất đạt 5% tổng số thời gian); phổ biến kiến thức trên các chương trình khoa giáo của hệ thống thông tin đại chúng, nhất là trên các kênh truyền hình của Trung ương và các địa phương. Đồng thời, tổ chức biên soạn, xuất bản, phổ biến rộng rãi trong nhân dân các loại áp phích, tờ rơi, sổ tay; xây dựng các trang thông tin điện tử (website)… Các địa phương, các ngành, các cơ sở sản xuất phải xây dựng kế hoạch phòng, chống VKHDL, kế hoạch ứng cứu, khắc phục sự cố hoá chất, phóng xạ và định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập về PTDS, có sự tham gia của các lực lượng PTDS và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp, chỉ huy, điều hành thống nhất, đồng bộ các lực lượng. Trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ hoặc diễn tập cứu hộ, cứu nạn, cần kết cấu các tình huống hoá học, phóng xạ để các lực lượng xử trí.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền cũng phải đúng mức, không thổi phồng nguy cơ, cũng không xem nhẹ, tránh làm cho người dân chủ quan, coi thường hoặc hoang mang, lo lắng, căng thẳng quá mức. Thực tế đã cho thấy, khi người dân thấy rõ các nguy cơ về thảm họa hoá chất, phóng xạ đối với các hoạt động sản xuất, đời sống, thì họ trở nên quan tâm hơn đến vấn đề này.
Hai là, nghiên cứu, sản xuất các phương tiện, vật tư phòng hoá từ các nguyên liệu, vật liệu tại chỗ trên các vùng, miền. Các phương tiện phòng hoá trong PTDS tập trung ở một số chủng loại có tính năng: phát hiện, đề phòng, tiêu tẩy các chất độc, chất phóng xạ, tác nhân sinh học; trong đó, phổ biến nhất là mặt nạ phòng độc để bảo vệ cơ quan hô hấp cho từng người. Nhu cầu phương tiện phòng hoá cho PTDS rất lớn, việc tạo nguồn cần được chủ động, tích cực triển khai sớm từ thời bình; cần dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học về nhu cầu, tính cấp bách đối với số lượng của các chủng loại cũng như khả năng ngân sách để tổ chức thực hiện với các bước đi phù hợp. Nâng cao năng lực tự bảo đảm khí tài phòng hoá từ nguồn sản xuất trong nước là hướng đi chủ yếu, cơ bản và đang ngày càng được quan tâm trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị “Về Phát triển công nghiệp quốc phòng”. Bên cạnh đó, lượng khí tài mua sắm từ nguồn nhập ngoại là nguồn quan trọng, tập trung vào các chủng loại hiện đại, chưa có khả năng sản xuất trong nước để trang bị cho các lực lượng PTDS nòng cốt.
Do đặc điểm địa lý của nước ta dễ bị chia cắt và tính chất tác hại tức thời của các tác nhân độc hại nên phải tổ chức dự trữ phương tiện, vật tư phòng hoá với số lượng hợp lý trên các vùng, miền. Hệ thống kho dự trữ các phương tiện phòng hoá có thể bố trí riêng biệt hoặc kết hợp với các kho tổng hợp khác ở các địa bàn trọng yếu. Nhiều loại phương tiện, vật tư phòng hoá có đặc điểm là dễ bị tác động và xuống cấp bởi các yếu tố môi trường nhiệt đới nóng, ẩm, nên việc dự trữ số lượng lớn các loại phương tiện chế sẵn cần được cân nhắc kỹ, tránh lãng phí. Cùng với việc dự trữ các phương tiện phòng hoá đồng bộ, để có thể đưa ra sử dụng được ngay (“dự trữ nóng”) khi có tình huống, còn phải dự trữ năng lực bảo đảm các loại phương tiện này dưới dạng công suất của các dây chuyền, nguồn nguyên liệu, đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật (“dự trữ lạnh”), để sẵn sàng huy động, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về PTDS khi có chiến tranh.
Ba là, củng cố và phát triển hệ thống trạm quan trắc, cảnh báo phóng xạ, hoá học quốc gia và các địa phương, nhất là tại các công trình, khu công nghiệp hoá chất, hạt nhân trọng điểm để thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình hoá học, hạt nhân, phóng xạ trên các địa bàn. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các trạm quan trắc, cảnh báo phóng xạ trên tất cả các địa bàn của các quân khu đã được hình thành, có nhiệm vụ quan trắc, phát hiện sự biến đổi phông phóng xạ trong khu vực; cơ động lấy mẫu phân tích, định danh, định lượng các loại hoá chất độc hại trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành cũng triển khai hệ thống các trạm công tác chuyên ngành trong toàn quốc, như: trạm quan trắc môi trường, hệ thống cảnh báo cháy, hệ thống quan trắc khí tượng, hệ thống trạm kiểm định... Các hệ thống này cần được đầu tư thêm về con người, trang thiết bị và hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động phục vụ mục đích dân sự kết hợp với QP-AN. Cần chú trọng xây dựng và bảo đảm các yếu tố phòng, chống VKHDL trong hệ thống các công trình PTDS hoặc các công trình lưỡng dụng, nhất là các công trình giao thông tĩnh và động. Các hang động, địa hình, công trình nửa ngầm, công trình ngầm dự kiến được huy động sử dụng làm nơi trú ẩn cho nhân dân trong các khu vực phòng thủ phải thiết kế để sẵn sàng lắp đặt các hệ thống thiết bị phòng hộ tập thể, phòng tránh được các loại chất độc, bụi phóng xạ, sóng xung kích của các vụ nổ hạt nhân… Các công trình lớn, quan trọng phải được thẩm định, đánh giá khả năng đề phòng các cuộc tập kích hoặc thảm họa hoá học, hạt nhân, sinh học do sự cố công nghệ hay thiên tai, và cần được lắp đặt các hệ thống thiết bị cảnh báo phóng xạ, hoá học tự động từ xa. Ngoài hệ thống phòng hoá tập thể ở các công trình trọng điểm, còn phải bố trí rải rác các vị trí cất giữ các phương tiện phòng hoá cá nhân để sẵn sàng sử dụng kịp thời trong các tình huống đột xuất.
Bốn là, xây dựng lực lượng nòng cốt và lực lượng phổ thông (rộng rãi) về phòng, chống VKHDL. Lực lượng nòng cốt gồm lực lượng chuyên trách và lực lượng kiêm nhiệm, được huấn luyện chu đáo về kiến thức chuyên môn phòng hoá; được trang bị tương đối hiện đại, có khả năng cơ động nhanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm, căn cứ vào Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng, tư lệnh các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng... cần quan tâm chỉ đạo tốt công tác huấn luyện của các đơn vị thuộc quyền, trong đó có nội dung huấn luyện về PTDS. Các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện và diễn tập QP-AN cấp xã đều phải gắn với nội dung diễn tập về PTDS để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh và các thảm họa khác. Lực lượng nòng cốt còn có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân các biện pháp phòng hoá và trực tiếp giải quyết các tình huống nặng nề, phức tạp, nguy hiểm ở các mục tiêu trọng điểm. Lực lượng nòng cốt chuyên trách phòng chống VKHDL cũng như các tác nhân hoá học, sinh học, phóng xạ thời bình trong quân đội, tập trung chủ yếu là lực lượng Bộ đội Hoá học, Bộ đội Quân y, Bộ đội Công binh và một số lực lượng khác, được xây dựng đồng bộ ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố). Bên cạnh đó, còn có lực lượng nòng cốt chuyên trách của các bộ, ngành khác. Lực lượng phòng hoá nòng cốt kiêm nhiệm được tổ chức trong lực lượng dân quân tự vệ ở các xã, phường, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc một bộ phận học sinh, sinh viên... Lực lượng phổ thông phòng chống VKHDL là đông đảo các tầng lớp nhân dân được trang bị những kiến thức cơ bản nhất để biết tự bảo vệ mình và giúp đỡ người khác khắc phục hậu quả của VKHDL hoặc các thảm họa với các tác nhân độc hại thời bình gây ra.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ đội Hóa học đang nỗ lực phấn đấu xây dựng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng nòng cốt về phòng, chống VKHDL cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong chiến tranh và trong xử lý, khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng chỉ đạo về quản lý, kiểm soát lưu thông, sử dụng, cảnh báo sự cố hóa chất độc, xạ và xây dựng các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả; tham gia các hoạt động đối ngoại trong việc khắc phục hậu quả hoá học sau chiến tranh, thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học...
Để phát huy hiệu quả của các lực lượng, trang bị, phương tiện, tạo sức mạnh tổng hợp cho công tác phòng hóa trong PTDS cũng như trong chiến tranh (nếu xảy ra), cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, đẩy mạnh thực hiện các nội dung, biện pháp mà Luật Quốc phòng và các nghị định, thông tư, chỉ thị, hướng dẫn đã đề ra, xây dựng tiềm lực phòng hóa vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS. PHẠM QUỐC TRUNG
Tư lệnh Binh chủng Hóa học
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011