QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 23:05 (GMT+7)
Công tác giáo dục quốc phòng toàn dân ở Đắk Lắk

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi trên vùng đất Tây nguyên, có vị trí quan trọng về quốc phòng- an ninh (QP-AN) đối với địa bàn Quân khu 5 và cả nước trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ngày nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), những năm vừa qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 62-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP, Đắk Lắk đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác này tới mọi đối tượng, từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đến học sinh, sinh viên (HS,SV), các tầng lớp nhân dân và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Tỉnh đã thành lập Hội đồng GDQP cấp tỉnh, cấp huyện đúng cơ cấu, thành phần để làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện GDQP toàn dân. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh (BDKTQP-AN) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, làm cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương. Trên cơ sở chương trình, nội dung BDKTQP-AN quy định cho từng đối tượng, Tỉnh đã nghiên cứu, đổi mới một số nội dung phù hợp với thực tiễn địa bàn, nhất là với đối tượng cán bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng, Tỉnh chú trọng chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh tiến hành rà soát, phân loại cán bộ, lên kế hoạch bồi dưỡng hằng năm, nhằm đảm bảo cho cán bộ trong nhiệm kỳ được BDKTQP-AN. Công tác này ở Đắk Lắk được thực hiện theo phân cấp, với nhiều hình thức kết hợp đa dạng, linh hoạt, như cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng do cấp trên tổ chức và mở lớp tại địa phương. Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh đã cử 87 cán bộ thuộc đối tượng 1 và 284 cán bộ thuộc đối tượng 2 tham gia BDKTQP-AN tại Học viện Quốc phòng và Trường Quân sự Quân khu. Đối với đối tượng 3, Tỉnh tổ chức 22 lớp bồi dưỡng tập trung cho 1.494 người tại Trường Quân sự Tỉnh, đạt tỷ lệ 98,2%; đối tượng 4 và 5, bồi dưỡng được 23.944 lượt cán bộ. Thông qua các lớp BDKTQP-AN đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành về nhiệm vụ QP-AN, về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh trong tình hình mới.

Ngoài các đối tượng trên, năm 2007 Hội đồng GDQP Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh mở rộng đối tượng BDKTQP-AN tới đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo, đài của Tỉnh, các chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn được 2 khóa với 77 người, bước đầu có tác dụng giáo dục tốt, làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu mở rộng đối với một số đối tượng khác. Một trong những đối tượng được Tỉnh hết sức quan tâm, đó là chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Hiện nay, số người theo đạo ở Đắk Lắk chiếm 22,5% so với số dân; cùng với đó là có nhiều cơ sở thờ tự, chủ yếu là Thiên chúa giáo, Tin lành và Phật giáo. Tỉnh đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào theo đạo có cuộc sống ổn định, từng bước được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, hành đạo theo đúng Hiến pháp và pháp luật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Với sự cố gắng của các ngành, các cấp, đến nay Tỉnh đã tổ chức 7 lớp BDKTQP-AN cho 612 chức sắc, chức việc các tôn giáo. Sau khóa học, các chức sắc, chức việc tôn giáo đã nhận thức đúng và ý thức rõ trách nhiệm đối với nhiệm vụ BVTQ, tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ cảnh giác, chủ động đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, chung sức xây dựng Tỉnh giàu mạnh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Công tác GDQP cho HS,SV ở các trường trung học phổ thông (THPT), đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được Tỉnh chú trọng triển khai ngày càng nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Sở Giáo dục- Đào tạo phối hợp chặt chẽ với BCHQS Tỉnh xây dựng kế hoạch, bảo đảm giáo viên cùng cơ sở vật chất, khí tài, thao trường, bãi tập,… để GDQP cho HS,SV. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Tỉnh đã tổ chức một khóa đào tạo cho 32 giáo viên GDQP (thời gian 6 tháng) theo chương trình tại Quyết định số 46/2000/QĐ-BGD&ĐT, ngày 18-10-2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; mở 2 khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho 138 lượt giáo viên giảng dạy môn GDQP các trường THPT trên địa bàn. Nhờ chủ động chuẩn bị nguồn giáo viên GDQP nên những năm qua, đã có 351.318 HS và 34.448 SV được học môn GDQP; kết quả kiểm tra hằng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 70% đạt khá, giỏi.

Công tác GDQP cho các tầng lớp nhân dân được Đắk Lắk rất quan tâm. Là một tỉnh đất rộng, người đông (gần 1,8 triệu người, có 14 huyện, thành phố, 175 xã, phường, thị trấn, với 2.284 buôn, làng, tổ dân phố), gồm 44 dân tộc anh em sinh sống (riêng các dân tộc thiểu số chiếm khoảng trên 30%), tình hình an ninh chính trị trên địa bàn phức tạp, điều đó đã và đang đặt ra yêu cầu mới cho công tác GDQP toàn dân của Tỉnh. Chủ trương của Tỉnh là chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng với các địa phương tích cực đưa công tác GDQP ngày càng đi vào chiều sâu. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, như trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, khẩu hiệu, sinh hoạt lễ hội, tổ chức các hoạt động thi đua ở địa phương,… đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đài phát thanh- truyền hình Tỉnh ngoài việc tiếp sóng các chương trình của Đài Truyền hình Trung ương, hằng tháng đều có chuyên mục, chuyên trang về QP-AN. Đặc biệt, các chương trình đã dành thời lượng đáng kể để phát bằng tiếng Ê Đê phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Một trong những hoạt động có hiệu quả, thiết thực và mang nhiều ý nghĩa, đó là các đơn vị thuộc BCHQS Tỉnh kết hợp công tác vận động quần chúng với tham gia GDQP cho đồng bào ở các buôn, làng vùng sâu, vùng xa. Ngoài việc đóng góp hàng nghìn ngày công giúp dân trong các đợt phòng, chống lũ lụt, dịch bệnh và tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ còn là những tuyên truyền viên tích cực về GDQP cho nhân dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động trên còn có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng các đội công tác 123 của BCHQS Tỉnh, đội công tác 523 của Tỉnh, nên đã tạo ra phong trào sâu rộng, có tác dụng giáo dục trực tiếp đối với nhân dân trong Tỉnh.

Những kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tạo ra sự đồng thuận ở mọi cấp, mọi ngành trong thực hiện công tác GDQP toàn dân. Nhờ làm tốt công tác BDKTQP-AN và GDQP nên nhận thức của cán bộ, đảng viên, HS,SV và các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần tích cực vào việc xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân BVTQ trên địa bàn. Tổng kết công tác GDQP hằng năm cho thấy, các huyện Cư M'gar, KRông Năng, Krông Buk và thành phố Buôn Ma Thuột là những địa phương luôn duy trì tốt hoạt động của Hội đồng GDQP, cũng như công tác BDKTQP-AN và GDQP cho các đối tượng.  

Tuy nhiên, công tác GDQP toàn dân của Tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò công tác GDQP. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên được BDKTQP-AN còn thấp. Chất lượng GDQP cho HS,SV chưa cao, tổ chức lớp học chưa khoa học, có nơi bố trí lớp học quá đông, nên việc quản lý, tiếp thu kiến thức của người học hạn chế… GDQP cho các tầng lớp nhân dân có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; việc tuyên truyền, giáo dục đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài những mặt hạn chế trên, công tác GDQP ở Đắk Lắk hiện nay còn nhiều khó khăn. Đó là, đội ngũ cán bộ cần được BDKTQP-AN hằng năm rất đông, nhất là cán bộ cơ sở cấp huyện đến xã (phường, thị trấn). Trong đó, số cán bộ tổ dân phố, buôn, làng phần lớn trình độ văn hóa cũng như kiến thức về QP-AN còn bất cập, cần được bồi dưỡng mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu làm việc dựa vào uy tín và kinh nghiệm nên việc tiếp thu những kiến thức mới đòi hỏi phải có thời gian và phương pháp phù hợp mới đem lại hiệu quả. Công tác GDQP cho HS,SV đang còn khó khăn ở nhiều khâu, nhất là vấn đề xây dựng chuẩn đội ngũ giáo viên GDQP, tổ chức học rải ở các trường THPT, đảm bảo vật chất, thao trường, bãi tập để huấn luyện quân sự… GDQP cho các tầng lớp nhân dân thiếu sự gắn kết, chưa sát với đối tượng và địa bàn…

Để nâng cao chất lượng GDQP-AN, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền QPTD trong tình hình mới, thời gian tới Tỉnh tập trung vào những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới" và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ về GDQP-AN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho Tỉnh đẩy mạnh công tác GDQP-AN trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn bản trên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, HS,SV và nhân dân đối với công tác này.

Hai là, triển khai BDKTQP-AN cho mọi đối tượng, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Ngoài chương trình, nội dung theo quy định, các địa phương cần tăng cường công tác tham quan các mô hình, điển hình về kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng nền QPTD, nhất là đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Ba là, có kế hoạch đổi mới tổ chức, phương pháp dạy và học cho phù hợp với đối tượng HS,SV; lồng ghép nội dung GDQP-AN vào các môn học khác, nhất là địa lý, thể dục; chú trọng giáo dục lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Tăng cường đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP, đảm bảo cho các trường đủ số lượng giáo viên để tổ chức học rải trong năm học.

Bốn là, chỉ đạo Hội đồng GDQP các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên tất cả các mặt, từ kế hoạch đến chương trình, nội dung BDKTQP-AN cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, GDQP-AN cho HS,SV và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng GDQP-AN các cấp và của từng thành viên trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác GDQP-AN, đáp ứng nhiệm vụ BVTQ trên địa bàn Tỉnh.

Đại tá VÕ DUY CHÍN

Tỉnh ủy viên, Chính ủy BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)