QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:23 (GMT+7)
Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh ở huyện Cù Lao Dung – kết quả và kinh nghiệm

Huyện Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng, gồm 8 xã, trên 63 ngàn nhân khẩu với 3 dân tộc chính là Kinh, Khơ-me, Hoa; có 4 tôn giáo là: Phật giáo, Công giáo, Cao đài và Tin lành. Nhân dân trong Huyện có truyền thống yêu nước, dũng cảm trong kháng chiến, cần cù trong lao động, sản xuất. Những năm gần đây, cùng với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Huyện đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng- an ninh (QP-AN).

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác QP-AN, trong điều kiện địa lý nằm biệt lập, giữa vùng sông nước mênh mang của hạ lưu sông Hậu, giao thông với các địa phương khác còn nhiều khó khăn, nên Nghị quyết Đảng bộ Huyện xác định: cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ Huyện vững chắc, có khả năng tác chiến độc lập trong thế trận phòng thủ chung của Tỉnh. Với tinh thần đó, Huyện chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN (GDQP-AN), xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo tiềm lực chính trị- tinh thần cho khu vực phòng thủ.

Sau khi thành lập Huyện (năm 2002), cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, Huyện ủy đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác QP-AN, trong đó nhấn mạnh chủ trương thành lập Hội đồng GDQP-AN theo Quyết định số 224/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Uỷ ban nhân dân Huyện đã triển khai thành lập Hội đồng GDQP-AN do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng. Thực hiện Công văn số 140/CV-HĐGDQP-AN, ngày 20-3-2006 của Hội đồng GDQP-AN Quân khu 9 về xây dựng mô hình điểm Hội đồng GDQP-AN cấp xã, thị trấn (trên cơ sở Hội đồng Nghĩa vụ quân sự bổ sung thêm thành viên và nhiệm vụ), Hội đồng GDQP-AN Huyện đã tham mưu để Uỷ ban nhân dân Huyện ra quyết định thành lập Hội đồng GDQP-AN ở 8/8 xã, thị trấn. Sau khi thành lập, Hội đồng GDQP-AN các cấp đã xây dựng quy chế, quy định chế độ hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên,… Vì vậy, hoạt động của các Hội đồng đã nhanh chóng đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức GDQP-AN trong Huyện; nhất là, việc nâng cao hiệu quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định.

Đến nay, đã có 12 cán bộ thuộc đối tượng 2 và 76 cán bộ đối tượng 3 của Huyện được bồi dưỡng kiến thức QP-AN qua các lớp do Quân khu và Tỉnh tổ chức. Năm 2009, Huyện đã mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 558/525 đồng chí thuộc đối tượng 4 và đối tượng 5, đạt 106,3%, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng trong công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Nội dung bồi dưỡng cũng được đổi mới, điều chỉnh phù hợp với đặc điểm địa bàn và trình độ của từng đối tượng; trong đó, chú trọng các chuyên đề về dân tộc, tôn giáo và công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng xóm, ấp an toàn, vững mạnh...

Quán triệt quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức GDQP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, đến nay, Huyện đã mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức việc, nhà tu hành trên địa bàn, với 160/169 vị, đạt 94,7%. Sau khi học tập, nhận thức về QP-AN của đối tượng này được nâng lên rõ rệt, giúp các vị hiểu biết đầy đủ hơn về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, thấy rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; từ đó, tích cực phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn.

Hiện nay, GDQP-AN cho học sinh của Huyện được tiến hành ở 2 trường trung học phổ thông (trường Đoàn Văn Tố và trường An Thạnh Ba). Nhờ chủ động tạo nguồn gửi đi đào tạo nên mỗi trường đã có 2 giáo viên chuyên trách GDQP-AN, tạo điều kiện đưa môn học vào chương trình chính khóa và triển khai phương pháp học rải theo quy định. Năm 2009, Huyện đã tổ chức GDQP-AN cho 1.190 em học sinh; kết quả kiểm tra có 100% đạt yêu cầu, trong đó 78,2% khá, giỏi.

Công tác tuyên truyền, giáo dục QP-AN cho toàn dân được đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực. Căn cứ vào đặc điểm , trình độ dân trí trên địa bàn, Huyện coi trọng tuyên truyền, giáo dục thông qua các lễ hội truyền thống, hệ thống áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, kết hợp với các đài truyền thanh ở địa phương, cơ sở. Đặc biệt, năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân, cơ quan Quân sự Huyện đã chủ động phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin, Đài truyền thanh của Huyện, xã tổ chức tuyên truyền sâu, rộng từ cơ sở, với 24 tin, bài, thời lượng 240 phút, 73 băng rôn, khẩu hiệu kết hợp với tuyên truyền bằng xe lưu động... Cùng với đó, các hoạt động văn nghệ, thể thao ở địa phương được tổ chức rộng khắp, bảo đảm tính định hướng chính trị, tập trung phổ biến, tuyên truyền các ca khúc cách mạng, các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và QP-AN của địa phương..., góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên địa bàn.

Từ thực tiễn tổ chức GDQP-AN trên địa bàn, chúng tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng GDQP-AN các cấp.

Có được kết quả trên, một nguyên nhân hết sức quan trọng là Hội đồng GDQP-AN các cấp đã hoạt động tích cực, luôn chủ động tham mưu đúng, kịp thời, giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP-AN. Bên cạnh đó, Cù Lao Dung có thuận lợi là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, các ngành hầu hết đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN nên luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai nhiệm vụ này; mặt khác, Hội đồng GDQP-AN đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các thành viên. Đặc biệt là, cơ quan thường trực và bộ phận giúp việc của Hội đồng GDQP-AN Huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và duy trì kế hoạch, quy chế hoạt động của Hội đồng, giúp Hội đồng tổ chức phối hợp giữa các ban, ngành trong việc triển khai thực hiện công tác này. Cùng với đó, hằng năm, Hội đồng GDQP-AN Huyện còn tổ chức hội thi, hội thao, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Năm 2008, Huyện tổ chức Hội thi kiến thức QP-AN cho đối tượng 4, có 48 đồng chí ở các xã tham gia, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó 77,08% khá, giỏi.

Hai là, thường xuyên lồng ghép nội dung GDQP-AN trong các hoạt động ở địa phương, cơ sở. Cùng với việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định, Huyện đặc biệt coi trọng GDQP-AN cho các đối tượng thông qua thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; nhất là, trong diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an và diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn... Năm 2008, Huyện tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cho 2 xã An Thạnh Ba và An Thạnh Nam; năm 2009 chỉ đạo 2 xã An Thạnh Đông và Đại Ân diễn tập... Thông qua diễn tập vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao ý thức, kiến thức QP-AN cho cán bộ các cấp trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả GDQP-AN cho toàn dân, Huyện đặc biệt chú trọng lồng ghép nội dung GDQP-AN trong các cuộc vận động, phong trào thi đua,... Từ năm 2003 đến năm 2008, bằng các nguồn hỗ trợ, Huyện đã đầu tư trên 14 tỷ đồng thực hiện chính sách xã hội, như: xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho gia đình chính sách... Hiện nay, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được triển khai tích cực từ các ban, ngành của Huyện đến cơ sở bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, phù hợp. Nét mới là, trong quá trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng thời gian gần đây, các lớp đều thực hiện việc tuyên truyền về Cuộc vận động; trong đó, chú trọng xây dựng phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên theo gương của Bác Hồ vĩ đại. Cùng với những biện pháp đó, Huyện còn thực hiện đưa kết quả GDQP-AN thành một chỉ tiêu trong việc đánh giá, bình xét kết quả hằng năm của mỗi tổ chức, đơn vị và cá nhân. 

 Ba là, tập trung giải quyết những vấn đề còn hạn chế; tích cực giúp đỡ những xã vùng sâu còn nhiều khó khăn.

Thực tế, công tác GDQP-AN của Huyện cũng gặp không ít khó khăn, như: đội ngũ báo cáo viên tham gia GDQP-AN trình độ chưa cao, ít kinh nghiệm; Hội đồng GDQP-AN cấp xã hoạt động còn lúng túng, hầu hết chưa tự đảm nhiệm được việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 5 theo quy định. Bên cạnh đó, thao trường, bãi tập, học cụ huấn luyện trong GDQP-AN cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn còn thiếu và chưa đồng bộ... Trước tình hình đó, Hội đồng GDQP-AN các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực; trong đó, chú trọng tăng cường bồi dưỡng, tạo điều kiện cho báo cáo viên có thời gian nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp, kết hợp với mời một số giáo viên có trình độ, kinh nghiệm ở Trường Quân sự Quân khu 9 đến giảng một số chuyên đề. Cơ quan Quân sự Huyện còn cử cán bộ trực tiếp giúp đỡ các xã khó khăn ở khu vực ven biển trong quá trình tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN; hướng dẫn, giúp đỡ các trường trung học phổ thông thực hiện môn học theo quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo; đồng thời, trực tiếp cử cán bộ huấn luyện và giảng dạy một số nội dung, như: chiến thuật, điều lệnh đội ngũ, bắn súng... Năm 2009, cơ quan Quân sự Huyện còn phối hợp với các nhà trường tổ chức hội thi kiến thức QP-AN cho học sinh trung học phổ thông; qua đó, đã chọn được 6 em tham gia Hội thi kiến thức QP-AN do Tỉnh tổ chức.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác GDQP-AN.

Trước hết, Huyện quan tâm GDQP-AN cho lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên, bảo đảm cho các lực lượng này có trình độ giác ngộ chính trị cao, thực sự làm nòng cốt trong tuyên truyền, GDQP-AN cho nhân dân ở cơ sở. Đến nay đã có 95,8% dân quân, tự vệ và 97% quân dự bị động viên được huấn luyện và GDQP-AN. Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ hai lực lượng này đã thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm, luôn gương mẫu trong cuộc sống, tích cực tuyên truyền, giáo dục gia đình và nhân dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, các tổ chức: Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ cũng giáo dục hội viên, đoàn viên tích cực học tập, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Các hoạt động đó đã góp phần xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm được rút ra, huyện Cù Lao Dung đang tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP-AN, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh, khu vực phòng thủ Huyện vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Huyện ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thượng tá PHAN HỮU LẮM

Quyền Chỉ huy trưởng Ban CHQS Huyện

 

Ý kiến bạn đọc (0)