QPTD -Thứ Hai, 05/09/2011, 23:05 (GMT+7)
Chủ động bảo đảm hậu cần cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ phòng chống thiên tai, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, ở nước ta thiên tai xảy ra nhiều hơn; bão, lũ, lũ quét với cường độ mạnh và diễn biến bất thường đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Phòng, chống thiên tai, lụt, bão (PCTTLB), tìm kiếm cứu nạn (TKCN), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, trong đó quân đội là lực lượng nòng cốt. Bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho quân đội thực hiện PCTTLB, TKCN là nhiệm vụ  quan trọng thường xuyên của ngành Hậu cần. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, do khối lượng bảo đảm lớn, yêu cầu bảo đảm phức tạp, tính  khẩn trương cao..., đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hậu cần cho các lực lượng tham gia PCTTLB, TKCN trong mọi tình huống.  

Nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ PCTTLB, TKCN của quân đội nói chung, ngành Hậu cần nói riêng, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BĐHC cho nhiệm vụ quan trọng này. Cơ quan hậu cần các cấp đã chủ động làm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả; đồng thời, tăng cường chỉ đạo triển khai chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, lực lượng hậu cần tham gia và BĐHC cho các lực lượng làm nhiệm vụ PCTTLB, TKCN, nhất là trước mùa  mưa bão; tổ chức chằng chống, che chắn nhà cửa, kho tàng..., bảo đảm an toàn tính mạng bộ đội, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và trang bị hậu cần. Nhờ vậy và cùng với tinh thần quả cảm, tính năng động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ hậu cần các cấp, đã kịp thời bảo đảm nhu cầu hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ và trực tiếp tham gia PCTTLB, TKCN. Sau thiên tai nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của bộ đội; tổ chức vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra; khôi phục, phát triển tăng gia sản xuất, góp phần cùng toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTTLB, TKCN, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Chỉ tính riêng năm 2007, có 4 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Đắc Lắc và lũ quét ở Sơn La, Yên Bái..., nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nên hậu cần các cấp đã kịp thời huy động hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn lượt phương tiện máy bay, tàu xuồng, xe máy các loại, hàng trăm tấn vật chất hậu cần, kịp thời đến các địa bàn xảy ra thiên tai, bão, lụt, tổ chức BĐHC cho hơn 43 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia PCTTLB, TKCN. Cùng với đó, ngành Hậu cần đã huy động 124 tổ quân y cơ động, 190 cơ số thuốc (cơ số thuốc phòng chống bão, lụt) và trang thiết bị y tế; vận chuyển, cấp phát 3.500 phao cứu sinh, 300 nhà bạt, hàng chục ngàn tấn các mặt hàng thiết yếu (lương khô, mì tôm, gạo, nước uống), hàng ngàn bộ quần áo, chăn, màn... để cấp cứu, cứu nạn, cứu trợ, chăm sóc sức khoẻ cho hàng chục vạn nhân dân trong vùng bão, lụt; huy động hàng ngàn lượt phương tiện tham gia sơ tán, di dời hàng ngàn hộ dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức tiếp đón, bố trí bảo đảm nơi ăn, nghỉ, chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn lượt đồng bào trú tránh bão, lụt...Sau bão, lụt, hậu cần các cấp đã huy động lực lượng vệ sinh phòng dịch của ngành Quân y, phối hợp với y tế địa phương nhanh chóng xử lý vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt côn trùng (trên 10 triệu m2) trong vùng ngập, lụt...

Ngoài phòng chống bão, lụt, hậu cần các đơn vị đã triển khai BĐHC kịp thời  cho hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu nạn, dập cháy rừng, khắc phục sự cố môi trường và trực tiếp tham gia cứu chữa nhiều nạn nhân. Đặc biệt, vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Hậu cần Quân khu 9 đã kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men, cơ số máu dự trữ..., đến hiện trường tham gia cấp cứu người bị nạn; tổ chức thu dung cấp cứu 53 người, trong đó có 30 người bị thương nặng, cứu sống được nhiều nạn nhân.

 Trong thực hiện nhiệm vụ BĐHC và tham gia PCTTLB, TKCN, nhiều đơn vị, cá nhân của ngành Hậu cần đã không ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiêu biểu là tấm gương Thượng úy Phạm Hữu Huyên, y sĩ thuộc Bệnh xá 24- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã quên mình cứu dân trong lũ lụt và đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, công tác BĐHC cho PCTTLB, TKCN thời gian qua còn những mặt tồn tại. Hậu cần một số đơn vị, nhất là các đơn vị đóng quân ở những khu vực ít xảy ra bão, lụt còn biểu hiện tư tưởng chủ quan, chưa thực sự coi đó là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, nên công tác chuẩn bị còn lơ là. Phân cấp dự trữ vật chất hậu cần chưa thật phù hợp; việc tổ chức BĐHC cho các lực lượng làm nhiệm vụ ở xa khu vực đóng quân trong thời gian dài còn lúng túng. Vai trò tham mưu đối với cấp uỷ, chính quyền cùng cấp trong việc tổ chức di dời và bảo đảm nơi ăn, nghỉ cho nhân dân trú tránh bão, lụt còn bị động; công tác quy hoạch, thiết kế và triển khai xây dựng các công trình của một số đơn vị ở vùng ven biển, cửa sông, khu vực thường xảy ra bão, lụt chưa phù hợp...  

Theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn nước ta tiếp tục có khả năng diễn biến phức tạp và được cảnh báo là một trong những nước trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất của sự biến đổi khí hậu toàn cầu; các nguy cơ thiên tai, sự cố và các thảm họa còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Để chủ động BĐHC đầy đủ, kịp thời cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTTLB, TKCN trong mọi tình huống, thời gian tới, công tác hậu cần và ngành Hậu cần tập trung thực hiện những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và TKCN. Hậu cần các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần thấy rõ trách nhiệm nặng nề, khó khăn nhưng rất vinh dự đối với nhiệm vụ quan trọng này. Từ đó, xác định nhiệm vụ BĐHC cho PCTTLB, TKCN như bảo đảm cho chiến đấu; cứu dân như cứu thân nhân, gia đình mình gặp nạn; đồng thời, nắm vững và thực hiện tốt phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy phòng, tránh là chính. Hậu cần các cấp phải thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão, cháy nổ, cháy rừng và TKCN; xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch BĐHC theo nhiệm vụ Bộ giao; chú trọng bảo đảm các khu vực trọng điểm bão, lụt. Thường xuyên nắm chắc thực lực các loại vật chất, trang bị PCTTLB, TKCN, bảo đảm đồng bộ về người và phương tiện, sẵn sàng huy động khi có tình huống. 

Hai là, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác chuẩn bị hậu cần. Trước mùa mưa, bão cần tổ chức củng cố, sửa chữa hệ thống doanh trại, kho tàng; kiểm tra hệ thống chống sét, đường dây dẫn điện; che đậy hàng hóa. Duy trì nghiêm các chế độ trực, củng cố các phân đội hậu cần sẵn sàng đi làm nhiệm vụ, nhất là các tổ quân y, phân đội vận tải. Kịp thời cấp phát bổ sung lượng vật chất hậu cần theo quy định khi có lệnh của cấp trên. Phối hợp chặt chẽ với địa phương và các đơn vị đứng chân trên địa bàn để khai thác thực phẩm tại chỗ, BĐHC cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Tổ chức bảo đảm ăn, nghỉ dã ngoại cho đơn vị phù hợp với điều kiện cụ thể; không được để bộ đội bỏ bữa, thiếu nước uống khi làm nhiệm vụ. Quân y các cấp duy trì các kíp trực cấp cứu; các bệnh viện có kế hoạch, phương án sẵn sàng làm nhiệm vụ thu dung, cấp cứu hàng loạt; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dân y trong tổ chức thực hiện, bảo đảm sự chỉ huy, điều hành thống nhất, hiệu quả. Có kế hoạch di chuyển, sơ tán bộ đội và vật chất, trang bị  hậu cần đến nơi an toàn, nhất là các đơn vị nhỏ, lẻ, ở sườn đồi, núi, đề phòng lũ quét, sạt lở đất; có phương án bảo đảm khi mất điện, nước cục bộ, đặc biệt là các khu vực quan trọng như sở chỉ huy, bệnh viện..., không để bị bất ngờ trong mọi tình huống xảy ra.

Ba là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", nhằm huy động vật chất, trang bị hậu cần tại chỗ, bảo đảm kịp thời nhu cầu cho các lực lượng tham gia PCTTLB, TKCN, đặc biệt là các địa bàn, khu vực dễ bị chia cắt. Hoàn thiện kế hoạch dự trữ hậu cần; xác định nhu cầu và phân cấp dự trữ vật chất hợp lý, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ cụ thể; những địa bàn trọng điểm, thường xảy ra bão, lụt cần dự trữ nhiều hơn; mặt hàng hậu cần dự trữ chủ yếu là: lương khô, thuốc (cơ số thuốc phòng chống bão, lụt), xăng dầu, nhà bạt, máy phát điện, đèn bão...

 Hậu cần cơ quan quân sự địa phương các cấp cần chủ động đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc huy động nguồn lực và phân cấp cho các cấp, các ngành KT-XH địa phương tổ chức dự trữ phù hợp để sẵn sàng huy động bảo đảm, kết hợp linh hoạt giữa dự trữ “bằng hiện vật” và “bằng tiền”; đồng thời, quản lý chặt chẽ, bảo đảm số lượng, chất lượng theo quy định. Đối với những địa bàn thường xảy ra bão, lụt, dễ bị chia cắt cần nghiên cứu tăng phân cấp và lượng dự trữ các loại vật chất thiết yếu, kể cả hàng dự trữ quốc gia cho quốc phòng; bổ sung trang bị các loại xuồng có công suất nhỏ để cứu hộ, cứu nạn ở những nơi có sông, suối nhỏ; mua sắm bổ sung các trang bị công cụ lao động (như cưa máy, thang, cuốc, xẻng...) để bộ đội thực hiện nhiệm vụ. Khảo sát, nắm chắc tình hình KT-XH, dân cư để có phương án, kế hoạch bảo đảm ăn, nghỉ khi phải sơ tán đồng bào tránh trú bão, lụt. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng cầu nối hiệp đồng giữa các đơn vị lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tham gia cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, lụt.

 Bốn là, nâng cao khả năng cơ động BĐHC, vừa bảo đảm cho các lực lượng  làm nhiệm vụ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực xảy ra lụt, bão, vừa sẵn sàng chi viện, giúp đỡ các lực lượng khác và nhân dân địa phương khi có yêu cầu. Coi trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTTLB, TKCN để hoàn thiện kế hoạch tổ chức, bố trí lực lượng hậu cần cơ động, lượng vật chất, trang bị mang theo bảo đảm cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tổ chức khảo sát, nắm chắc tình hình, nhất là địa hình, đường giao thông; hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị cùng đứng chân trên địa bàn để khai thác, tạo nguồn tại chỗ, kịp thời đáp ứng nhu cầu hậu cần cho các lực lượng tham gia PCTTLB, TKCN. Xác định vị trí, chuẩn bị bãi đáp hạ máy bay để tiếp tế, chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ và  cứu trợ đồng bào vùng lũ, lụt khi cần thiết.

Năm là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành BĐHC và tham gia PCTTLB, TKCN. Tập trung huấn luyện về phương pháp sử dụng, điều khiển các phương tiện TKCN, cứu hộ như thuyền cao su, thuyền chèo tay, thuyền máy, bè mảng..., kỹ thuật cứu người, cấp cứu người bị nạn trong điều kiện bão lụt, thảm họa. Chú trọng phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai; cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng; huấn luyện công tác bảo hộ an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ. Tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các phương án, nâng cao khả năng ứng phó, bảo đảm của cơ quan, phân đội hậu cần trong mọi tình huống.

Sáu là, chủ động, khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng bảo đảm ổn định đời sống bộ đội. Sau thiên tai, bão, lụt, hậu cần các đơn vị khẩn trương huy động mọi nguồn lực để củng cố, sửa chữa hệ thống doanh trại (ưu tiên sửa chữa nhà ở của bộ đội, nhà để trang bị, khí tài chiến đấu, kho tàng, nhà ăn, nhà bếp, bệnh viện), nhằm  nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt của bộ đội, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện và các hoạt động thường xuyên của đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các cấp về tổ chức canh gác, bảo vệ tài sản, vật chất, trang bị hậu cần. Chủ động tham mưu, đề xuất với người chỉ huy để huy động lực lượng bộ đội tham gia khắc phục hậu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể; chỉ đạo tổ chức vệ sinh môi trường khu vực doanh trại; kết hợp với y tế địa phương phát hiện và có biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra; khôi phục trạm trại, vườn rau, ao cá..., duy trì phát triển tăng gia sản xuất. Tổng hợp đánh giá tình hình thiệt hại, kịp thời báo cáo Tổng cục Hậu cần để báo cáo Bộ quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ.

 Phát huy kết quả đạt được và những kinh nghiệm thời gian qua, ngành Hậu cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTTLB, TKCN, cùng toàn Đảng, toàn dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Thiếu tướng Dương Văn Rã

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)