Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:34 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công tác vận động quần chúng (VĐQC) là biện pháp nghiệp vụ cơ bản, làm cơ sở cho các biện pháp nghiệp vụ khác để thực hiện chức năng làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Lực lượng BĐBP tỉnh Sóc Trăng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới với 72 km bờ biển, nằm trên địa bàn của 3 huyện (gồm 9 xã và 1 thị trấn ven biển). Sóc Trăng có tỷ lệ người Khmer chiếm khoảng 30% số dân của Tỉnh (là tỉnh có số lượng người Khmer lớn nhất so với các tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long- khoảng 330.000 người trong tổng số 1 triệu người Khmer Nam Bộ); trong đó, tập trung nhiều nhất ở khu vực biên giới (KVBG), riêng các xã biên giới của 2 huyện Long Phú và Vĩnh Châu có trên 50% số người Khmer của Tỉnh, có những xã đồng bào Khmer chiếm trên 90% số dân.
Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 68-CT/TW (ngày 14-4-1991) của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá VI) về “Công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer” và sự nỗ lực của Tỉnh, đời sống mọi mặt của đồng bào Khmer được nâng cao, cơ sở chính trị được củng cố, an ninh chính trị, an ninh trật tự (ANTT) được giữ vững. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan nên đời sống của đồng bào Khmer ở KVBG vẫn chưa được cải thiện nhiều và chưa đồng đều. Tình hình ANTT ở KVBG còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; việc tranh chấp đất đai giữa các hộ và trong gia đình, dòng họ còn xảy ra ở một số nơi; số hộ Khmer nghèo còn chiếm tỷ lệ cao; trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về chính trị còn hạn chế; Phật giáo trở thành một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ... Lợi dụng những đặc điểm, hạn chế đó, các thế lực thù địch coi KVBG có người Khmer sinh sống là một trọng điểm chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc. Chúng dùng vật chất lôi kéo, xúi dục, kích động đồng bào Khmer tham gia các hoạt động: truyền đạo Tin Lành trái phép, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là về dân tộc, tôn giáo, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức phản động trong người Khmer lưu vong ở nước ngoài và trong nước để hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực; các loại tội phạm hình sự, các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng...
Nhận thức đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, phức tạp trên, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, chú trọng công tác VĐQC, trọng tâm là vận động đồng bào Khmer tham gia giữ gìn ANTT ở KVBG. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào Khmer và để cụ thể hóa Nghị quyết số 12/NQ- ĐU (ngày 21-10-2003) của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh BĐBP về “Tăng cường công tác VĐQC của BĐBP trong tình hình mới”, Đảng uỷ BĐBP Sóc Trăng đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường công tác VĐQC của BĐBP Sóc Trăng trong tình hình mới”. Theo đó, cấp uỷ các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác VĐQC và đồng bào Khmer tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới. BĐBP Tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành địa phương trong việc thực hiện công tác vận động đồng bào Khmer tham gia quản lý, giữ gìn ANTT ở KVBG đạt kết quả toàn diện trên các mặt.
Vấn đề quan trọng hàng đầu của BĐBP Tỉnh là thực hiện đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức toàn diện cho đồng bào Khmer. Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân tộc, tôn giáo và các quy định của địa phương; tham gia phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), ổn định cuộc sống; không nghe kẻ xấu xúi dục, kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động chống phá cách mạng của chúng. Phương pháp tuyên truyền, giáo dục được tiến hành đa dạng, phong phú, như: thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng, kết hợp công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các lễ hội truyền thống để lồng ghép các nội dung tuyên truyền với tiếp tục dạy chữ ở các lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các chức sắc tôn giáo, các trưởng ấp dân cư để tuyên truyền VĐQC nhân dân với hàng chục vạn lượt người tham dự...
Tập trung xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện, BĐBP Tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu và tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, tập hợp và tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, góp phần cùng BĐBP Tỉnh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chỉ tính 5 năm gần đây, các đơn vị BĐBP Tỉnh đã tham gia củng cố được 57 chi bộ cơ sở, giới thiệu 29 quần chúng ưu tú (trong đó có các quần chúng là người Khmer) để cấp uỷ, chính quyền địa phương bố trí vào những cương vị chủ chốt. Nhiều cán bộ của BĐBP Tỉnh được địa phương tín nhiệm giới thiệu bầu vào Hội đồng nhân dân các cấp và đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, được địa phương và quần chúng tín nhiệm cao. Với sự tham gia tích cực của BĐBP, các tổ chức đoàn thể quần chúng từng bước được kiện toàn và hoạt động nền nếp, hiệu quả,...thường xuyên phối hợp chặt chẽ với BĐBP trong quản lý, bảo vệ ANTT ở KVBG.
Quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về BĐBP tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế và tham gia phát triển KT-XH ở các xã biên giới, hải đảo và xuất phát từ thực tiễn địa bàn, BĐBP Tỉnh đã tích cực tham gia có hiệu quả nhiều dự án phát triển KT-XH ở địa phương. Một số dự án do BĐBP Tỉnh làm chủ đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer ở KVBG (chủ yếu là các công trình cấp nước sạch, trạm quân-dân y kết hợp). Ngoài ra, các đồn biên phòng KVBG đã làm tốt công tác tham mưu và phối hợp với địa phương, các ngành chức năng mở các lớp tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về khuyến nông, khuyến ngư giúp đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế... Cùng với đó, các đơn vị biên phòng đã tham mưu cho địa phương tổ chức xét công nhận các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá, các ấp văn hoá và các điểm trường văn hoá (năm 2008 có 32 ấp dân cư được công nhận là ấp văn hoá, 12.520 gia đình người Khmer được công nhận là gia đình văn hoá); phối hợp với các ngành ở địa phương thăm và tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo và các vị sư sãi ở các chùa Khmer nhân ngày lễ, tết; xây dựng nhà tình nghĩa tặng đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn. BĐBP Tỉnh cũng trích kinh phí xây dựng và tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách là người dân tộc Khmer, xây dựng nhà tình thương cho gia đình là người dân tộc Khmer nghèo...
Để đẩy mạnh phong trào đồng bào Khmer tham gia bảo vệ chủ quyền, ANTT KVBG, BĐBP Tỉnh đã gắn chặt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với xây dựng đồn biên phòng thành điểm sáng văn hoá với nhiều nội dung, hình thức thiết thực. Các đơn vị biên phòng tổ chức tốt các phong trào: xây dựng bến bãi an toàn, tự quản ANTT xóm ấp, thôn xóm bình yên, gia đình hoà thuận; tham mưu cho địa phương tổ chức cho các gia đình đồng bào Khmer đăng ký thực hiện các tiêu chí: gia đình không có tệ nạn xã hội, không nghe theo kẻ xấu tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật, không mê tín dị đoan, không vi phạm pháp luật, tích cực phòng chống, tố giác tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội (đã có 1.875 hộ đăng ký). Nhờ đó, đồng bào đã phát hiện, thông báo với cơ quan chức năng và các đồn biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị, giúp cho các đơn vị biên phòng chủ động phòng chống và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ ổn định ANTT ở KVBG.
Các đồn biên phòng đã làm tốt công tác vận động đồng bào Khmer tham gia giải quyết các hành vi vi phạm ANTT KVBG; hướng dẫn, bồi dưỡng và phát huy vai trò của các cá nhân nòng cốt là người Khmer trong các tổ tự quản ANTT để họ trực tiếp giải quyết, hoặc làm trung gian hoà giải, giải quyết những va chạm, bất đồng trong cộng đồng dân cư, nhất là các vụ tranh chấp đất đai là tài sản thừa kế giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ người Khmer; làm tốt vai trò nòng cốt trong việc công khai hoá những đối tượng vi phạm các quy định về ANTT KVBG là người Khmer...
Đối với đồng bào Khmer ở KVBG Sóc Trăng, Phật giáo Tiểu thừa là chỗ dựa tinh thần chủ yếu và vai trò, vị trí của nhà chùa, đặc biệt là các sư sãi, có ảnh hưởng lớn, chi phối trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần của họ. Vì vậy, BĐBP Tỉnh đã tích cực vận động các chức sắc tôn giáo trong đồng bào Khmer tham gia giữ gìn ANTT ở KVBG;tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các sư sãi vào công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tham gia giữ gìn ANTT ở KVBG của địa bàn. Các vị thượng tọa, đại đức ở các chùa đã tích cực phối hợp với các đồn biên phòng vận động sư sãi và đồng bào Khmer chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, quy ước của khu dân cư, tiêu chuẩn gia đình văn hoá; cùng với các đồn biên phòng vận động và tổ chức các lớp xoá mù chữ cho gần 200 người dân tộc Khmer; vận động 40 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá và thường xuyên tham gia hoà giải có hiệu quả các mâu thuẫn trong nhân dân.
Tuy vậy, công tác vận động đồng bào Khmer của BĐBP Sóc Trăng còn những mặt hạn chế. Nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động đồng bào chưa phong phú, chất lượng chưa được như mong muốn. Hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa cao, có địa phương còn để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài; phong trào của các đoàn thể quần chúng ở một số nơi chưa đều; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công an, dân quân ở cơ sở với BĐBP chưa thật chặt chẽ, tỷ lệ công an viên, dân quân là người Khmer còn thấp; việc tranh thủ uy tín của các sư sãi trong vận động đồng bào Khmer tham gia giữ gìn ANTT KVBG còn hạn chế...
Từ thực tiễn công tác vận động đồng bào Khmer tham giữ gìn ANTT KVBG của BĐBP tỉnh Sóc Trăng, có thể rút ra một số kinh nghiệm, làm cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động đồng bào Khmer trong thời gian tới.
1. Luôn nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng; đồng thời, tích cực tham gia phát triển KT-XH của địa phương, góp phần nâng cao đời sống đống bào các dân tộc, từ đó, xây dựng thế trận lòng dân, hướng dẫn và tổ chức cho đồng bào Khmer tham gia giữ gìn ANTT KVBG.
2. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang và bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ là người Khmer. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong việc phối hợp với BĐBP Tỉnh tham gia công tác VĐQC nói chung, vận động đồng bào Khmer nói riêng, tham gia giữ gìn ANTT KVBG trên địa bàn.
3. Trong tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer phải có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào; phát huy vai trò uy tín của các sư sãi, các trưởng ấp dân cư tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer; lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động với các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, nâng cao hiệu quả công tác VĐQC.
4. Thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác ở vùng đồng bào Khmer những kiến thức về dân tộc, tôn giáo; tăng cường học ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Khmer; luôn bám sát địa bàn, chủ động phát hiện và tham mưu đề xuất kịp thời với các cấp nội dung, biện pháp, hình thức công tác VĐQC ở vùng đồng bào Khmer.
Đại tá, TS. LÊ MẠNH HÙNG
.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011