Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nhật
(Nguồn: crossed-flag-pins.com) 

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ năm, tại Tô-ki-ô Nhật Bản, từ ngày 12 đến 15-12-2013.

Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển đi vào chiều sâu. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, góp phần tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước.

Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng nhờ có các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi và phát triển cao độ trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. 

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973, từ đó đến nay, quan hệ hai nước có lúc thăng trầm, từ sau khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam (1992), các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên.

Hằng năm, hai nước đều có các cuộc gặp cấp cao. Từ năm 2002 đến nay, quan hệ hai nước liên tục phát triển lên tầm cao mới: “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002), “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững” (Tuyên bố chung cấp Ngoại trưởng tháng 7-2004), “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (Tuyên bố chung tháng 10-2006), “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược” (Tuyên bố chung tháng 11-2007). 

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4-2009), hai bên chính thức tuyên bố đưa khuôn khổ quan hệ lên tầm đối tác chiến lược (Tuyên bố chung về "Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á").

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Naoto Kan, hai bên ra "Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á" (tháng 10-2010). 

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra "Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản" (tháng 10-2011).

Hai bên đã tạo dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp, Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới (APEC, WTO, ASEM, ARF, vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật...).

Năm 2013 là Năm Hữu nghị Việt - Nhật nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. 

Nhắc đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không thể không nhắc đến hợp tác về kinh tế với nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). 

Hai bên đang hợp tác triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản năm 2012 đạt 24,663 tỷ USD; 11 tháng của năm nay, đạt 22,933 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 12,356 tỷ USD (tăng 3,4%), nhập khẩu đạt 10,577 tỷ USD (giảm 0,3%).

Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Nhật Bản. Hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Về đầu tư trực tiếp, tính đến ngày 20-11-2013, Nhật Bản có 2.103 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,526 tỷ USD, đứng đầu trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. 

Trong vòng 20 năm (1992-2012), Nhật Bản đã cam kết gần 23 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trong tài khóa 2013, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết tổng cộng 51,547 tỷ Yên ODA vốn vay đợt 01 dành cho 03 dự án, gồm: xây dựng nhà ga hành khách T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài; mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim và Xây dựng công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 thành phố Hà Nội.

Hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực lao động, văn hoá thông tin, giáo dục đào tạo, hợp tác khoa học, công nghệ , du lịch...

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản (1973-2013).

Nhật Bản là đối tác hỗ trợ rất lớn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời ưu tiên cho hợp tác Tiểu vùng Mê Công, CLV (Cam-pu-chia – Lào - Việt Nam), Hành lang Đông Tây (EWEC). 

Về kết nối ASEAN, Nhật Bản đã chọn 33 dự án ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế ASEAN, hiện đã có 12 dự án được tài trợ. Nhật Bản cũng đang nghiên cứu gia hạn sử dụng quỹ Liên kết ASEAN - Nhật Bản (JAIF). 

Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong ứng dụng công nghệ vệ tinh vũ trụ trong quản lý thiên tai, ngoại giao y tế toàn cầu, tăng trưởng xanh... Nước này đồng thời xác định 04 trọng tâm hợp tác với ASEAN, gồm: an ninh chính trị, kinh tế thương mại truyền thống, các vấn đề mới nảy sinh và giao lưu nhân dân.

Bên lề Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 5 sẽ được tổ chức. Hội nghị do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Thái Lan.

Hội nghị cấp cao lần này được tổ chức nhằm khẳng định quyết tâm của các nước Mê Công và Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác Mê Công - Nhật Bản vì sự thịnh vượng và ổn định và phát triển bền vững ở khu vực Mê Công nói riêng và Đông Á nói chung; kiểm điểm tình hình triển khai hợp tác Mê Công - Nhật Bản giai đoạn 2013-2015. 

Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố kiểm điểm giữa kỳ Chiến lược Tô-ki-ô 2012.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển, phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Nguồn: TTXVN