\\"Diễn biến hòa bình\\" vẫn là một chiến lược nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá Đảng ta, chế độ ta

Có thể nói "diễn biến hòa bình" là một thuật ngữ ra đời từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi các thế lực đế quốc, thù địch quốc tế trong cục diện đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, đã nhận ra rằng, khó có thể chỉ dùng biện pháp vũ lực để tiêu diệt CNXH, mà phải thay đổi chiến lược, chuyển từ tiến công quân sự là chủ yếu sang tiến công bằng "diễn biến hòa bình". Nghĩa là thực hiện chiến lược xóa bỏ các nước XHCN mà không phải phát động chiến tranh, chỉ cần "diễn biến hòa bình" để chuyển hóa dần CNXH sang quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Nhất là từ những năm 90 của thế kỷ XX, thuật ngữ "diễn biến hòa bình" được sử dụng rộng rãi để thực hiện chiến lược mới của chủ nghĩa đế quốc sau "chiến tranh lạnh" trong âm mưu chống phá CNXH và các nước độc lập có xu hướng tiến bộ, muốn thoát ly ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Để làm rõ bản chất của chiến lược này, người ta đã dùng nhiều thuật ngữ nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh khác của chiến lược "diễn biến hòa bình", như "chiến tranh không tiếng súng", "cuộc chiến không giới tuyến", "chiến tranh nhung lụa", "chiến tranh qua tay người khác"...

Mục tiêu của chiến lược do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vạch ra so với trước không hề thay đổi, đó là tiêu diệt CNXH, bảo vệ sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa đế quốc, CNTB và sự thống trị thế giới của chủ nghĩa đế quốc. Nét mới của chiến lược "diễn biến hòa bình" so với các chiến lược chống cộng, chống CNXH trước đây là ở chỗ: giành được chiến thắng mà không cần dùng đến chiến tranh bằng sức mạnh quân sự là chủ yếu. Bởi lẽ qua thực tế dùng chiến tranh kiểu đó hao người, tốn của, cuối cùng là thất bại, lại bị thế giới lên án. Còn dùng chiến lược "diễn biến hòa bình", họ có thể phát huy ưu thế vượt trội về kinh tế, tài chính, khoa học- công nghệ... và sự chi phối của các cường quốc tư bản đối với các tổ chức quốc tế.
Trong cuốn sách "1999 chiến thắng không cần chiến tranh" của Nixơn, qua khảo sát ở các nước XHCN Đông Âu, năm 1983, Nixơn cho rằng, thời cơ "diễn biến hòa bình" ở Đông Âu đã chín muồi, Liên Xô cũng đang tiềm tàng khả năng "diễn biến hòa bình". Nixơn đặc biệt coi trọng Đông Âu, cho đây là đột phá khẩu thực hiện "diễn biến hòa bình". Ông ta viết: "Những người cộng sản Đông Âu đã hoàn toàn mất đi niềm tin. Ngày nay phần lớn họ đã trở thành những người tham lam và quan liêu. ý nghĩa niềm tin về Đảng Cộng sản bị sụp đổ... một thế hệ những người Đông Âu đang trỗi dậy không phải là các nhà tư tưởng mà là các nhà thực tiễn cho "diễn biến hòa bình". Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản quốc tế lâm vào thoái trào, các thế lực đế quốc càng có điều kiện đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", trước hết nhằm vào các nước XHCN còn lại.
Chiến lược này được họ chú trọng triển khai trên hai mặt: một là, tác động từ bên ngoài vào thông qua sự chỉ đạo các hoạt động đầu tư, cho vay vốn, viện trợ kinh tế, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh tế, trợ giúp y tế, tài trợ du học, giao lưu văn hóa, cứu trợ nhân đạo..., qua những hình thức này, từng bước thâm nhập vào kinh tế, chính trị- xã hội để tạo dựng cơ sở từ bên trong. Hai là, khuyến khích tự diễn biến trong nước, như cổ vũ cho những phần tử chống đối gây mất ổn định an ninh chính trị xã hội, vi phạm pháp luật, bị Nhà nước xử lý theo pháp luật, những phần tử bất mãn, cơ hội về chính trị... đòi đa nguyên chính trị, đa đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước, quân đội và toàn xã hội; chống đối pháp luật và sự quản lý của Nhà nước; chia rẽ đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các thế hệ; hướng thanh, thiếu niên chạy theo lối sống thực dụng chủ nghĩa, hưởng thụ, trụy lạc... phai nhạt dần ý thức chính trị, mục tiêu lý tưởng.
Thực tế cho thấy, tuỳ tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng, tuỳ tình hình mỗi nước, việc chuyển hóa chế độ chính trị không nhất thiết chỉ diễn ra dưới dạng chuyển hóa hòa bình, mà không xảy ra tình trạng hỗn loạn chính trị- xã hội; thậm chí gây bạo loạn phản cách mạng, lật đổ chế độ, không loại trừ sự can thiệp vũ trang từ bên ngoài. Nhìn lại sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu, chúng ta thấy quá trình sụp đổ- chuyển hóa đã diễn ra dưới các dạng:
- Diễn biến và chuyển hóa trước hết ở cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, đi đến lật đổ Nhà nước XHCN thông qua bầu cử, có hậu thuẫn bên ngoài.
- Sử dụng áp lực quần chúng bị kích động, đòi Đảng Cộng sản thay đổi hẳn đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
- Đánh đổ Nhà nước XHCN chủ yếu bằng thông qua bạo loạn chính trị lật đổ.
- Cướp chính quyền một cách "không đổ máu", bằng đảo chính cung đình.
- Dùng sức ép từ bên ngoài để bảo vệ chính phủ dân tộc, làm tan rã Nhà nước XHCN.
Đối với nước ta hiện nay, họ đang thâm nhập, tác động chuyển hóa từ bên trong,... Lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của ta, các thế lực thù địch tìm mọi cách xâm nhập nội bộ tác động, lôi kéo, mua chuộc, trước hết hòng làm chuyển hóa quan điểm, tư tưởng một số cán bộ, đảng viên. Tạo ra trong nội bộ một lớp người trung lưu, có quyền lợi gắn kết với tư bản nước ngoài, chịu ân huệ của tư bản nước ngoài, nhất là các nước tư bản phương Tây. Họ đặc biệt chú ý tấn công vào những người có vị trí tham mưu, hoạch định chính sách chiến lược quốc gia hoặc con em những cán bộ cao cấp. Đồng thời họ tìm cách móc nối với số cán bộ, đảng viên bất mãn, đặc biệt là số cơ hội chính trị, lôi kéo những người này vào hoạt động chống lại Đảng, kích động gây chia rẽ, bè phái trong Đảng, Nhà nước, tìm cách gây dựng ngọn cờ và lực lượng đối lập.
Trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, mục tiêu của các thế lực thù địch là xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thay thế bằng hệ tư tưởng tư sản và lối sống thực dụng chủ nghĩa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Họ sử dụng hệ thống thông tin đại chúng của các nước phương Tây và của các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua mạng Internet và các hình thức chuyển tải khác để liên tục tán phát vào nước ta một khối lượng lớn tài liệu có nội dung phủ nhận thành tựu cách mạng Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bịa đặt, gây hoài nghi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập...
Tuyên ngôn của Viện vận động dân chủ cho Việt Nam (IDV) do Mỹ lập ra, đã nói không úp mở rằng "Sự thất bại ở Việt Nam, Hoa Kỳ rút ra được kinh nghiệm, từ đó người Mỹ có một chính sách đúng đắn và hiệu quả. Đó là chấm dứt theo đuổi chống cộng bằng chiến tranh, bắt đầu dùng sức mạnh thật sự của mình là dân chủ, chính trị và tự do kinh tế làm vũ khí để tấn công các chế độ độc tài chuyên chế". Sử dụng các công cụ tài chính quốc tế mặc cả với ta, ép ta về chính trị, thâm nhập nội bộ, mua chuộc lôi kéo cán bộ, hòng thông qua cán bộ mà chuyển hóa đường lối, chính sách kinh tế; thông qua đào tạo cán bộ kinh tế tạo cho đội ngũ này quan điểm sùng bái phương Tây... Họ đã hậu thuẫn và khuyến khích bọn phản động đội lốt tôn giáo hoạt động chống phá ta từ bên trong; tìm cách can thiệp sâu vào vấn đề tôn giáo, dân tộc, vu cáo ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, kiếm cớ can thiệp sâu vào công việc nội bộ của ta; nuôi dưỡng bọn tàn quân Fulrô và các phần tử phản động trong một số dân tộc thiểu số chạy ra nước ngoài làm lực lượng xung kích chống phá ta lâu dài. Tất cả những âm mưu, thủ đoạn thâm độc đó đều nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Đó là mục tiêu cơ bản xuyên suốt trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Vì vậy, thiết nghĩ cũng không nên cho rằng hiện nay, tình hình thế giới đã thay đổi rất nhiều. Các nước phương Tây điều chỉnh chủ trương, chính sách và biện pháp của nó hằng tháng, hằng năm...; trong các chiến lược của các nước phương Tây không còn mấy ai dùng đến khái niệm diễn biến hòa bình đối với các nước XHCN, cho nên không nên dùng khái niệm chung chung trừu tượng "diễn biến hòa bình" để lượng định những nguy cơ từ phía các nước đó...
Tuy nhiên, nhận thức và suy nghĩ như thế nào là quyền của mỗi người. Thế nhưng dù suy nghĩ như thế nào cũng nên gắn với thực tế tình hình và đúng là cũng không nên cực đoan, một chiều theo cách phân tích địch ta quá đơn giản và thiếu nhạy bén chính trị, mà phải luôn có cái nhìn toàn cục. Cần phân tích làm rõ những vấn đề thực tế khách quan đang diễn ra trên thế giới, khu vực và trong nước để rút ra đúng bản chất của vấn đề chứ không thể suy diễn tuỳ tiện áp đặt, nhưng cũng không nên lờ đi những vấn đề thực tế để tự ru ngủ mình. Thực tế hiện nay là phương Tây đã điều chỉnh chủ trương, chính sách và biện pháp chính là để họ thích nghi, tiếp cận, thay đổi hình thức, phương pháp phù hợp để đạt tới mục tiêu của chiến lược "diễn biến hòa bình" là lật đổ Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ XHCN mà không cần chiến tranh. Và sự điều chỉnh này đối với các nước mà họ coi là "phi dân chủ" trên thế giới đó là dùng "cách mạng đường phố", "cách mạng nhung", "cách mạng da cam"... tuy là những tên gọi khác nhau nhưng cùng để chỉ một chiến lược lật đổ chính quyền bằng đảo chính chính trị. Điều này đã diễn ra gần đây ở một số nước như: Cuộc cách mạng nhung tại Nam Tư năm 2000, tại Gru-di-a năm 2003 và cuộc "cách mạng da cam" tại U-crai-na cuối năm 2004 đầu năm 2005... Đây có thể gọi là "công nghệ biểu tình" của Mỹ và phương Tây. Thực chất đây cũng chính là cuộc đảo chính chính trị, nhằm lật đổ các chính quyền được coi là "khó bảo" thông qua các chiến dịch tuyên truyền, đề cao các "giá trị tự do dân chủ" của phương Tây và đặc biệt là thông qua các chiến dịch vận động tranh cử được tài trợ bởi các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, với sự tham gia của các cố vấn, các nhà xã hội học, các nhà ngoại giao của Mỹ và các nước phương Tây.
Trong thời kỳ mới, với đường lối đối ngoại rộng mở, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, hội nhập, hợp tác làm ăn và mong muốn là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Thế nhưng phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời với xu thế toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, chúng ta cũng không thể không hội nhập kinh tế với thế giới, hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia các "cuộc chơi" và "luật chơi" chung. Song cũng cần hiểu rằng đây là cuộc đấu trí, đấu sức quyết liệt với không ít cạm bẫy hữu hình và vô hình. Kèm theo các khoản vay của IMF, các khoản viện trợ ODA, một số dự án FDI, các khoản viện trợ nhân đạo của các NGO, là các điều khoản ràng buộc ngặt nghèo về kinh tế cùng những điều kiện sức ép chính trị... Tuy nhiên, chúng ta cũng không ấu trĩ nghĩ rằng: nhà đầu tư nào cũng vì mục đích "diễn biến hòa bình", khoản viện trợ nào cũng cốt để phá hoại nội bộ ta để rồi đi đến cường điệu hóa nguy cơ "diễn biến hòa bình", hạn chế việc mở cửa hội nhập hợp tác với các nước trên thế giới. Cần khẳng định rằng, mở cửa, hội nhập, hợp tác, đầu tư và viện trợ nước ngoài là một nguồn lực quan trọng góp phần giúp chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là điều chúng ta hết sức trân trọng, mong muốn và phải tham gia tích cực. Nhưng khó khăn và thách thức là ở chỗ, kẻ thù không bao giờ lộ mặt, kẻ thù lợi dụng bạn bè, trà trộn trong bạn bè để tạo cớ luồn lách, thâm nhập nội bộ ta, chống phá ta từ bên trong.
Những năm trước đây chủ nghĩa đế quốc tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thực hiện chính sách bao vây, cấm vận, gây cho nhân dân ta, dân tộc ta bao cảnh đau thương và khó khăn chồng chất. Trong bối cảnh đó, nhân dân ta dễ nhận rõ bộ mặt thật của chúng. Bởi lẽ người dân đã nếm trải số phận của dân nô lệ, thuộc địa; chứng kiến sự mất mát trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc... qua đó hiểu được giá trị thiêng liêng của độc lập dân tộc, nhận rõ được tính tất yếu giữa độc lập dân tộc với CNXH; nhân dân ta, dân tộc ta đã đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên đấu tranh kiên cường, bất khuất, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ngày nay, trước sự điều chỉnh chiến lược, thay đổi thủ đoạn của các thế lực thù địch thì không ít người chưa nhận rõ được bộ mặt thật và chưa quen phản ứng với phương thức, thủ đoạn mới của chúng, dẫn đến những biểu hiện bất lợi cho an ninh quốc gia. Đó là tình trạng lơ là mất cảnh giác trong không ít cán bộ, đảng viên, bàng quan về chính trị, chấp nhận sự tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, chỉ lo "tụt hậu", không lo "chệch hướng", chỉ quan tâm đến kinh tế, ít quan tâm đến chính trị... Cho nên có thể nói các thế lực thù địch có thực hiện được âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược "diễn biến hòa bình" hay không, điều này phụ thuộc vào chúng thì ít, mà phụ thuộc vào Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân ta, dân tộc ta thì nhiều. Và do đó những việc cần phải làm hiện nay để đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", thì vấn đề quan trọng nhất, bức bách nhất mà Đảng, Nhà nước ta và cả hệ thống chính trị cần tập trung làm bằng được trong thời gian tới, đó là vấn đề thu phục lòng dân, giải quyết "bài toán lòng dân" và xây dựng "thế trận lòng dân". Giải quyết vấn đề đó ở đây với nghĩa: củng cố sự nhất trí về chính trị, tinh thần trong nhân dân, sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng, với Nhà nước, giữa nhân dân với chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lòng dân hướng về Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, đoàn kết gắn bó với Đảng, với Nhà nước, với chế độ. Không có nguy cơ nào, thế lực thù địch nào có thể làm sụp đổ được chế độ XHCN của chúng ta, nếu Đảng, Nhà nước ta, chế độ ta được đại đa số nhân dân đồng tình, đoàn kết gắn bó, ủng hộ và bảo vệ. Chính vì vậy, "bài toán lòng dân", "thế trận lòng dân" cần được giải quyết đồng bộ, trên nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống... để cùng tác động tới đời sống tâm lý, tư tưởng các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong thái độ, tình cảm, tâm lý, ý thức của từng người dân đối với việc chăm lo góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chế độ và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng cao, dân chủ XHCN được mở rộng; quan liêu, tham nhũng, tiêu cực bị ngăn chặn và đẩy lùi; Đảng vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, bộ máy Nhà nước trong sạch, vì dân, nâng cao được hiệu lực quản lý xã hội. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, từng bước hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là những nội dung cơ bản để giải quyết "bài toán lòng dân", xây dựng "thế trận lòng dân" vững mạnh, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược "diễn biến hòa bình", bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
 
Trần Duy